(HNM) - Ngày 29-11, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2014. Một lần nữa, các yếu tố có ý nghĩa quyết định đến mức độ tăng trưởng và khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được xem xét lại mà theo đó, trong bối cảnh hiện tại, sự tăng trưởng không chỉ phụ thuộc vào việc tăng vốn đầu tư, mà còn phụ thuộc vào năng lực thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất lao động.
Một chủ đề lớn đã được nêu ra tại buổi lễ công bố báo cáo quan trọng này: "Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam" - điều liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu cải thiện năng suất lao động, trong đó, điều quan trọng và mang ý nghĩa sống còn là trang bị kỹ năng cần thiết cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc hiện đại.
Nhấn mạnh yêu cầu trang bị kỹ năng cho người lao động là phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Diễn biến thực tế và phân tích của các chuyên gia về phát triển cho thấy những vấn đề đáng lưu ý liên quan đến người lao động Việt Nam nói chung. Thứ nhất, lao động ở ta khá về lý thuyết nhưng hạn chế về kỹ năng thực hành, tư duy phản biện và khả năng làm việc nhóm. Thứ hai, qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng họ thực sự khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động có kỹ năng phù hợp với yêu cầu cần có. Quan trọng hơn, những điểm mạnh của người lao động Việt Nam sau quá trình được đào tạo trong nước, như khả năng đọc, viết, tính toán thực ra không phải là điểm mạnh được ưu tiên trong hệ thống tiêu chí tuyển lao động của nhiều doanh nghiệp. Trong thực tế, với nhiều doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động luôn đi liền với công tác đào tạo bổ sung, đào tạo lại.
Điểm mạnh lý thuyết và điểm yếu về kỹ năng thực tế nói trên, về cơ bản có liên quan đến định hướng và phương pháp đào tạo nói chung - điều đã được mổ xẻ rất nhiều trong thời gian gần đây, dẫn đến yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tại Nghị quyết số 53/2013/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 - được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 11-11 năm nay, trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu có nêu: Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trước mắt năm 2014 tập trung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Phát triển nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động… Những định hướng lớn cần một kế hoạch thực thi chiến lược mang tính tổng thể, trong đó, phần việc quan trọng liên quan đến quá trình đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục - đào tạo, mối liên kết giữa ngành này - chủ yếu là các trường đại học, trường nghề, với phía sử dụng lao động. Bài học thực tế cho thấy yêu cầu thúc đẩy mối quan hệ gắn bó giữa phía đào tạo và các doanh nghiệp, theo hướng các bên cùng có trách nhiệm, cùng đầu tư nhằm tạo ra đội ngũ lao động phù hợp yêu cầu thực tế.
Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng", nhưng sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn "già hóa dân số" trong ít năm nữa. Những phân tích đúng chỉ ra rằng cơ hội tạo dựng nguồn nhân lực tiên tiến là có thật, gắn liền với hiệu quả đổi mới công tác đào tạo và sử dụng lao động, nhưng thử thách thật sự cũng đang ở rất gần. Trong bối cảnh nguồn lực kinh tế còn có sự hạn chế nhất định, nguồn lực về con người càng phải được tận dụng triệt để, lấy đó làm động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.