Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng lợi thế để tiết kiệm chi phí

Việt Nga| 18/01/2020 07:41

(HNM) - Thị trường bưu chính trong nước được đánh giá là cạnh tranh quyết liệt ở lĩnh vực chuyển phát, đặc biệt khi có sự gia nhập của các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp. Vấn đề đặt ra là, nếu ngành Bưu chính tìm giải pháp dùng chung hạ tầng sẽ tận dụng được lợi thế sẵn có, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Những năm gần đây, sự ra đời nhiều mô hình kinh doanh mới đã cạnh tranh trực tiếp với bưu chính truyền thống. Trước đây vận chuyển hàng hóa, bưu kiện sẽ do các đơn vị bưu chính truyền thống đảm nhận thì nay lĩnh vực này có nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia, thậm chí việc chuyển tiền thường do các đơn vị bưu chính thực hiện, nhưng giờ các hãng vận tải đều có thể làm. Tiêu biểu trong số này là mô hình hoạt động giao hàng nhanh như: GrabExpress (của Grab), AhaMove (của Công ty Giao hàng nhanh), GoSend (của GoViet)…, đã ứng dụng công nghệ vào vận chuyển hàng hóa và cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp bưu chính truyền thống.

Đáng chú ý, có không ít doanh nghiệp có vốn nước ngoài và với thế mạnh này đã áp dụng mức giá cạnh tranh, để từng bước chiếm lĩnh thị trường... Số liệu của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, cả nước hiện có 435 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bưu chính, tăng hơn 50 lần so với năm 2007 (chỉ có 8 doanh nghiệp), trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel cho biết, trong tổng số 435 doanh nghiệp bưu chính được cấp phép, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động dưới dạng chuyển phát, khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt. Quá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia chuyển phát còn dẫn tới tình trạng phá giá, làm sai lệch tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ. "Chẳng hạn, các doanh nghiệp chuyển phát cùng hoạt động trên một lộ trình nhất định (vận tải) thì hạ tầng không thể nào đáp ứng kịp, gây tắc nghẽn giao thông..." - ông Trần Trung Hưng phân tích.

Theo bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, thị trường bưu chính hiện có 5 doanh nghiệp có vốn nhà nước, dù chỉ chiếm 1% về số lượng, nhưng lại giữ 60% thị phần doanh thu dịch vụ bưu chính. Tuy nhiên, "miếng bánh" thị phần đã, đang được chia sẻ cho nhiều loại hình doanh nghiệp ngoài bưu chính truyền thống và vì vậy, doanh nghiệp phải nỗ lực để tồn tại và phát triển.

Đề xuất giải pháp, ông Trần Trung Hưng kiến nghị, đã đến lúc các doanh nghiệp bưu chính cần ngồi lại với nhau bàn việc dùng chung hạ tầng để nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng công nghệ bưu chính dùng chung cho hoạt động hậu cần thương mại điện tử. Nền tảng này dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ, kết hợp giữa công nghệ và hạ tầng (như kho hàng) để cung cấp hai khâu: Vận chuyển về điểm tập trung và giao - phát hàng đến tay người nhận. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển vận tải đường sắt làm phương tiện chủ lực để giảm tải cho đường bộ vốn đang là gánh nặng của xã hội.

Hiện có không ít mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp thành công khi xây dựng ứng dụng dùng chung hạ tầng. Điển hình như "Dự án Ứng dụng gọi xe chiều về - Net Loading" của nhà sáng lập Lê Đình Giáp (thuộc Vườn ươm công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội). Ứng dụng này giúp kết nối người có nhu cầu chuyển hàng liên tỉnh trên xe tải đang trống hàng chiều về, qua đó giúp chủ hàng giảm chi phí vận chuyển đến 40%, chủ xe tăng 20% doanh thu. Ngoài ra có thể giúp giảm ách tắc, tai nạn giao thông cũng như giảm ô nhiễm môi trường. 

Về đề xuất của Bưu chính Viettel, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh cho biết, vấn đề dùng chung hạ tầng bưu chính được đặt ra từ năm 2018 và Vụ Bưu chính cũng đã giao Bưu chính Viettel đề xuất phương án cụ thể. Đây là vấn đề lớn, có liên quan đến các bộ, ngành, do vậy sẽ phải được bàn bạc kỹ. Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức hội thảo về chủ đề này để tìm phương án nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp bưu chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng lợi thế để tiết kiệm chi phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.