(HNM) - Một trong các yếu tố ảnh hưởng đến việc cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) là nguồn lực và khâu tổ chức. Theo quy định của Thông tư số 49/2016/TT-BYT, ngày 30-12-2016, của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 1-3-2017), tối thiểu 50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép
Nếu được cấp cứu kịp thời, nạn nhân bị tai nạn giao thông có thêm nhiều cơ hội được cứu sống. |
Năng lực sơ cứu, cấp cứu yếu
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 trường hợp tử vong do TNGT, trong đó chủ yếu là TNGT đường bộ (chiếm tới trên 95% về số vụ, số người chết và số người bị thương). Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 50% nạn nhân thường tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại nơi gặp tai nạn; 30% xảy ra trong ba, bốn giờ sau đó và chỉ có 20% xảy ra trong giai đoạn điều trị ở bệnh viện. Khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong trong TNGT là do nạn nhân không được sơ cứu, cấp cứu hoặc sơ cứu, cấp cứu không đúng cách trước khi đến bệnh viện. Không những vậy, hệ thống sơ cứu, cấp cứu TNGT dọc theo các tuyến quốc lộ ở nước ta còn rất thiếu, năng lực sơ cứu, cấp cứu yếu.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, mạng lưới đường bộ của nước ta dài 221.000km và hơn 700km đường cao tốc. Việc nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu TNGT dọc các tuyến đường để cấp cứu kịp thời và đúng cách nạn nhân có nguy cơ tử vong cao có thể làm giảm được 10% số người tử vong. Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cấp cứu TNGT trên mạng lưới đường bộ cao tốc (ĐBCT) đến năm 2020, nhằm cấp cứu và vận chuyển nạn nhân nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn, hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng cho nạn nhân. Tuy nhiên, việc triển khai đề án này còn chậm. Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn chủ yếu dựa vào các cơ sở y tế sẵn có của các địa phương dọc tuyến cao tốc...
50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu
Để nâng cao năng lực hệ thống cấp cứu TNGT dọc các tuyến đường cao tốc, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 49/2016/TT-BYT quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu TNGT trên ĐBCT. Từ ngày 1-3 tới đây, tối thiểu 50km ĐBCT phải có một trạm cấp cứu. Trạm cấp cứu này được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua, bao gồm: Trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện có chức năng KCB, Trung tâm Cấp cứu 115, bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân. Sở Y tế các tỉnh, thành phố nơi có đường cao tốc đi qua lập danh sách cơ sở KCB đủ điều kiện thực hiện cấp cứu TNGT gửi cho Trung tâm Điều hành giao thông tuyến và cơ sở KCB để điều phối, thực hiện cấp cứu TNGT. Khi xảy ra TNGT, Trung tâm Điều hành giao thông tuyến thông báo ngay tên, tuổi, địa chỉ (nếu có), mô tả tình trạng sơ bộ của người bị TNGT với cơ sở KCB do Trung tâm lựa chọn trong danh sách cơ sở KCB.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, nguyên tắc hoạt động cấp cứu TNGT cần bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả trong việc vận chuyển nạn nhân đến cơ sở KCB gần nhất. Trong vòng 15km, ít nhất phải có một xe cứu thương phục vụ cho tối thiểu 3 trạm cấp cứu. Trung tâm cấp cứu của tỉnh hoặc tương đương có nhiệm vụ điều hành đội xe cấp cứu, bảo đảm 10 - 15 phút sau khi nhận được thông báo có thể tiếp cận nơi xảy ra tai nạn.
Theo ông Lê Văn Đạt, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải, để triển khai có hiệu quả trạm cứu hộ trên đường cao tốc cần phải rà soát lại việc lắp đặt các trạm điện thoại cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác các tuyến ĐBCT ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, có điều khoản ràng buộc. Đơn vị cung cấp dịch vụ phải có phương tiện thường trực 24/24 giờ. Từng bước thành lập các trạm cứu hộ, cứu nạn có đầy đủ trang thiết bị, nhân lực thường xuyên túc trực tại các trạm dừng nghỉ hoặc tại các điểm với cự ly trung bình khoảng 50km. Tại trạm này, có các lực lượng sau: Tuần đường của đơn vị quản lý, khai thác, cảnh sát giao thông, cứu hộ giao thông, cứu nạn, cấp cứu y tế TNGT.
Đối với người bị TNGT có thẻ bảo hiểm y tế, chi phí vận chuyển người bệnh, sơ cứu, cấp cứu thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về việc đăng ký KCB bảo hiểm y tế. Đối với người bị TNGT không có thẻ bảo hiểm y tế, cơ sở y tế vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người bị TNGT. Sau khi sơ cứu, cấp cứu người bị nạn, cơ sở mới thực hiện thu phí vận chuyển người bệnh, phí sơ cứu, cấp cứu theo giá dịch vụ KCB đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ sở KCB nhà nước hoặc giá niêm yết đối với bệnh viện tư nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.