(HNM) - Hoạt động phát triển kinh tế năm 2017 đã đi qua tháng đầu năm, với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7%; xuất khẩu tăng 6-7% và kiềm chế lạm phát bên cạnh việc tìm nguồn vốn cho tăng trưởng.
Sản xuất máy in laze tại Công ty TNHH Canon (Khu công nghiệp Thăng Long).Ảnh: Thái Hiền. |
Nhận diện thách thức
Vào năm kế hoạch 2017, Chính phủ xác định nền kinh tế tiếp tục đối diện một số bất lợi đã từng hiện diện từ năm ngoái như sức mua trên thị trường trong và ngoài nước chậm hồi phục, phần lớn các đối tác gặp khó khăn, việc mở rộng quy mô thị trường không được tiếp sức như mong muốn do Mỹ rút khỏi TPP, năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế… Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, thách thức đối với phát triển kinh tế thì năm nào cũng có, nhưng yêu cầu đặt ra là cần tỉnh táo nhận diện, tìm giải pháp cùng quyết tâm vượt khó, tìm thời cơ để tăng trưởng với chất lượng cao nhất.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả kinh tế năm 2016 chính là điểm tựa và gợi ý lớn để Chính phủ, nhất là giới DN tiếp tục khai thác trong năm nay. Cụ thể, Chính phủ sẽ tập trung triển khai, thực hiện triệt để chủ trương đảm đương nhiệm vụ trên nền tảng kiến tạo, liêm chính, vì DN. Từ đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc gia để củng cố uy tín; từ đó thúc đẩy làn sóng đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên diện rộng.
Hoạt động đăng ký thành lập DN dân doanh đang được kỳ vọng tiếp tục “kịch bản” bùng nổ từ năm 2016 khi lần đầu tiên cả nước tiếp nhận thêm hơn 110 nghìn DN sản xuất, kinh doanh mới.
Tiếp tục cải cách
Đổi mới, cải cách, hướng tới cải cách toàn diện sẽ là nội dung chính trong hoạt động điều hành kinh tế 2017. Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kết quả tăng trưởng năm 2017 chủ yếu sẽ trông vào khu vực DN dân doanh, gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của DN. Các chuyên gia cũng đồng quan điểm và nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, chuyển biến thành hành động trong việc thực hiện công vụ, phục vụ DN của các cơ quan công quyền, từ cấp vĩ mô đến địa phương. Tuy nhiên, cũng có một số khuyến cáo dành cho DN là cần nhanh chóng nâng cấp về quy mô, sức cạnh tranh, trang bị công nghệ, năng lực quản lý để tồn tại, phát triển trong bối cảnh hội nhập.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN cho rằng, kể cả trường hợp Mỹ rút khỏi TPP thì Việt Nam vẫn còn cơ hội để hấp dẫn nguồn ngoại lực. Theo đó, nguồn vốn ĐTNN vẫn sẽ góp phần quan trọng đối với nền kinh tế, nhất là xét về lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, kinh doanh bất động sản, du lịch… Kết quả thu hút vốn ĐTNN sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi Việt Nam đang hấp dẫn nguồn vốn này bằng lợi thế về sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô hơn hẳn nhiều quốc gia khác. Xuất phát từ các luận điểm trên, một số chuyên gia còn nhận định, kết quả thu hút vốn ĐTNN năm 2017 có thể tăng 10% so với năm ngoái.
Xét về phát triển theo ngành, DN thuộc khối chế biến, chế tạo sẽ tập trung phát huy thế mạnh để khẳng định vai trò dẫn đầu về tỷ lệ đóng góp lớn nhất vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là mục tiêu quan trọng, nhắm tới hai đích, gồm gia tăng quy mô xuất khẩu kết hợp với chủ động phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để tăng tốc tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, từ năm nay, hệ thống cơ quan điều hành kinh tế và đội ngũ DN sẽ tập trung triển khai nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TƯ về phát triển Ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản cũng báo hiệu sự khả quan khi theo đuổi mục đích đáp ứng nhu cầu của khách hàng có thu nhập khác nhau một cách hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.