(HNM) - Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, mà thực chất là đánh thuế vào hàng hóa xuất khẩu của nhau giữa hai cường quốc đang trở nên căng thẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt...
Yêu cầu đặt ra là cần sự chủ động ứng phó để tận dụng cơ hội, lợi thế, giảm thiểu những bất lợi nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng Việt.
Thế giới vừa chứng kiến các tuyên bố mạnh mẽ của Mỹ khi thực hiện việc đánh thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào nước này. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng tìm cách "lọc" ra hàng loạt sản phẩm xuất khẩu của Mỹ để đánh thuế một cách tương xứng nhằm đáp trả. Sự việc chưa có điểm dừng, mặc dù đã có sự cảnh báo từ phía cộng đồng quốc tế và tâm lý lo ngại bao trùm đời sống kinh tế, thương mại toàn cầu.
Trên thực tế, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu bằng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngược lại, Trung Quốc là nước mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, do bị áp thuế đối với nhiều mặt hàng công nghiệp nên hàng hóa Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm mức xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đồng thời tìm đến thị trường khác để tiêu thụ. Vì vậy, rất có thể doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, trên cơ sở tận dụng thế mạnh về giá, cước vận tải thấp và sự quen thuộc về thị trường, đối tác cũng như thị hiếu của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất trong nước vì hàng nội bị rơi vào tình thế phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc; nhất là khi xét về giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp hai nước Trung - Mỹ chịu sức ép liên tục cũng như phải đối phó lẫn nhau, gây hệ lụy và ảnh hưởng trên diện rộng; từ đó làm giảm sức cầu chung trên toàn thế giới. Do đó, doanh nghiệp Việt cũng gặp bất lợi trong hoạt động xuất khẩu vì Việt Nam đang là nền kinh tế hướng về xuất khẩu.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, tác động lớn nhất từ cuộc chiến thương mại nói trên là nguy cơ khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trầm trọng hơn. Một khi hàng hóa dư thừa, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ tại các nước khác, trong đó có Việt Nam khiến hoạt động sản xuất cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trở nên khó khăn hơn ngay tại chính thị trường nội địa. Ở chiều ngược lại, hàng xuất khẩu của ta vào Trung Quốc cũng hạn hẹp hơn do bản thân lượng hàng của doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ra rất lớn, lại bị ùn ứ.
Đặc biệt, thép hiện đang là mặt hàng bị áp thuế rất cao cũng như luôn ở trong "tầm ngắm" để một số nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ, rào cản như yêu cầu điều tra, khiếu kiện chống bán phá giá... Từ đó, khuyến cáo đưa ra là cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý xuất nhập khẩu, phân phối và tái xuất nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc hàng giá rẻ vào Việt Nam rồi tìm cách xuất sang Mỹ. Đây cũng là biện pháp thanh lọc, tránh rủi ro, bị hiểu lầm trong giao thương.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi khi hàng Trung Quốc bị áp thuế cao, nhất là đối với những loại hàng xuất khẩu cùng chủng loại. Rõ ràng đây là lợi thế bởi hàng của Việt Nam được lợi về giá bán để tăng sản lượng bán ra cũng như kết hợp mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thêm thị phần tại quốc gia có sức mua lớn nhất thế giới là Mỹ. Mặt khác, căng thẳng thương mại Trung - Mỹ sẽ là cơ hội để thúc đẩy, hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam thay vì vào Trung Quốc...
Xét về tổng thể, sẽ có cả tác động tích cực và tiêu cực có thể diễn ra, tương tác với nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là tìm cách ứng phó phù hợp, linh hoạt để nhân lên thời cơ, lợi thế kết hợp giảm thiểu những bất lợi, tác hại do các “ông lớn” gây ra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.