Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tầm vóc mới Thủ đô

Lê Như Tiến| 05/02/2019 10:07

(HNM) - Hà Nội phải coi văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài là cội nguồn của những giá trị tinh thần từ ngàn đời, cùng hòa vào văn hóa Việt.


Sớm nay, vào thời khắc giao mùa, đứng trên cây cầu Long Biên trăm tuổi, nhìn dòng sông Hồng lững lờ trôi thật thanh bình, tôi chợt nghe văng vẳng đâu đây bài hát “Người Hà Nội” của thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi:

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội

Hà Nội mến yêu!


Tôi bồi hồi cảm nhận ca khúc “Người Hà Nội” trong tầm vóc mới, diện mạo mới của Thủ đô đang từng ngày cất cánh.

Thế là 10 năm đã trôi qua, song trong ký ức của mình, là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, may mắn được chứng kiến những thời khắc lịch sử của các quyết định lớn ở nghị trường Quốc hội, tôi không thể nào quên những ngày của tháng 5 năm 2008, tháng có đầy ắp những sự kiện lớn: Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ 7-5, chiến thắng Phát xít 9-5, ngày sinh nhật Bác 19-5 và những ngày nghị trường Quốc hội “nóng” lên bởi các buổi thảo luận mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, đặc biệt là buổi thảo luận lần cuối vào chiều 29-5-2008 để các vị Đại biểu Quốc hội chuẩn bị bấm nút thông qua một Nghị quyết quan trọng - Nghị quyết 15 của Quốc hội, đã được cử tri và dư luận xã hội rất quan tâm và đánh giá là một Nghị quyết mang tầm nhìn chiến lược.

Tôi còn nhớ như in, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều về vấn đề này của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, giới truyền thông, dư luận xã hội, cử tri Thủ đô và cử tri cả nước.

Sau gần 6 năm nghiên cứu công phu về đồ án quy hoạch vùng Thủ đô với mô hình Hà Nội là đô thị lõi, đô thị hạt nhân, xung quanh là các đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực của hàng loạt vấn đề bức xúc về tình trạng quá tải và mất cân đối ngày càng trầm trọng. “Chiếc áo” từ mấy chục năm qua đã quá chật so với “cơ thể” vạm vỡ, cường tráng của Thủ đô Hà Nội không ngừng phát triển ngày nay.

Các cơ quan của Chính phủ và lãnh đạo thành phố Hà Nội đã rất cầu thị và thận trọng, lắng nghe nhiều ý kiến trái chiều, tổ chức hơn 20 cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, 5 phương án khác nhau được các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất, nhưng phương án 1 là phương án tối ưu, với số điểm cao nhất được trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong phát biểu giải trình của mình trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Theo phương án này địa thế của Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế “Rồng cuộn, hổ ngồi”, dựa núi hướng sông, tiếp nối giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hàng nghìn năm hình thành và phát triển Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, gắn môi trường sống với cảnh quan thiên nhiên là hướng phát triển bền vững nhất mà nước ta cũng như các nước khác trên thế giới đang hướng tới...

Sau khi lắng nghe, tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và đặc biệt là tiếp thu những ý kiến đầy tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội. Chính phủ đã có báo cáo giải trình thấu đáo hơn, Quốc hội có báo cáo thẩm tra hoàn thiện hơn về phương án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Cuối buổi chiều ngày 29- 5-2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội với tỷ lệ tán thành đạt 92,9%, là tỷ lệ đồng thuận rất cao trong các lần biểu quyết. Nghị quyết của Quốc hội đã đem lại cho Thủ đô tầm vóc mới, diện mạo mới, sinh khí mới.

Sau một thập kỷ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội đã phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. So với năm 2008, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gấp 2 lần, thu nhập tăng 2,3 lần, thu ngân sách tăng gần 3 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ liên tục phát triển; an ninh xã hội được bảo đảm, giá trị truyền thống của Thủ đô được giữ gìn, phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật rất đáng ghi nhận như trên, là công dân của Thủ đô, tôi thấy Hà Nội cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn vào những khâu đột phá, tạo động lực cho sự phát triển bứt phá trong thời kỳ mới, xứng đáng với vai trò “đầu tàu”, vừa hội tụ vừa lan tỏa của Thủ đô. Cần tập trung phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; xây dựng Thành phố thông minh, đón đầu “cơn lốc” công nghệ 4.0; chủ động thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; xây dựng không gian đô thị văn minh, hiện đại; khắc phục tình trạng quá tải về dân số, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục...; khắc phục tình trạng mất cân đối trầm trọng trong một số lĩnh vực; tăng cường kết nối nội - ngoại thành để Thủ đô là một “cơ thể” thống nhất, nhân rộng những điểm sáng nông thôn mới nhằm khắc phục sự chênh lệch quá lớn giữa nông thôn và thành thị, dẫn tới dòng dịch cư ào ạt vào đô thị, gây nên tình trạng quá tải nội đô. Hà Nội phải coi văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài là cội nguồn của những giá trị tinh thần từ ngàn đời, cùng hòa vào văn hóa Việt. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của Thủ đô hiện tại và tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tầm vóc mới Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.