(HNM) - Thời gian gần đây, xuất khẩu gạo đang có chiều hướng không thuận lợi khi thị trường ế ẩm, giá gạo giảm. Gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với gạo giá rẻ từ Pakistan, Bangladesh. Trong khi các nhà nhập khẩu châu Phi dự báo giá gạo tiếp tục xuống thấp nên giảm lượng mua để xem xét tình hình.
Bốc xếp gạo tại Cần Thơ. Ảnh: Anh Tuấn |
Biến động thị trường
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo đạt 1.978,134 tấn, trị giá 923,692 triệu USD, giá gạo bình quân đạt 468,9 USD/tấn, tăng 15,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định, đây là kết quả tốt, bởi theo Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), so với năm 2009, giá gạo thế giới những tháng đầu năm liên tục giảm (giảm 11,95%). Trong khi số liệu thống kê của Thái Lan cho thấy, giá các loại gạo trắng xuất khẩu của nước này còn giảm mạnh hơn nữa (cụ thể, giá gạo 100% B trong tháng 4 giảm 16,59%; gạo 5% tấm giảm 18,43%...). Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo, những tháng tới sẽ là chặng đường khó khăn cho hạt gạo xuất khẩu. Hiện tại, tình trạng mất giá liên tiếp xảy ra, do khách hàng chờ giá xuống mới giao dịch. Hiện nay, VFA đang hướng dẫn giá sàn gạo 5% tấm là 350 USD/tấn, nhưng không dễ bán, nhiều doanh nghiệp cho biết giá giao dịch thành công chỉ xoay quanh 320 đến 330 USD/tấn. Như vậy, so với giá gạo mua tạm trữ hai đợt trong tháng 2 và tháng 3, trung bình 6.600 đến 7.000 đồng/kg thì doanh nghiệp đã bị lỗ. Ở một khía cạnh khác, theo VFA, xuất khẩu gạo đang có diễn biến xấu do nguồn cung đang vượt cầu. Tại thị trường châu Phi, Pakistan và Myanmar đang chiếm ưu thế bởi giá thành. Với lợi thế về khoảng cách, trung bình mỗi tấn gạo từ Pakistan qua châu Phi rẻ hơn 15 USD so với từ Việt Nam nên mức giá chào bán của nước này thấp hơn từ 10 đến 15 USD một tấn. Thêm nữa cơ hội tranh thầu 200 nghìn tấn gạo vào thị trường Philippine của Việt Nam không còn bao nhiêu bởi trước đó, một số doanh nghiệp của Singapore, Malaysia… mua gạo của Việt Nam và bán rẻ vào Philippine. Một nguyên nhân nữa khiến thị trường gạo trầm lắng là do sản lượng gạo thế giới trong năm nay dự báo sẽ đạt 440,8 triệu tấn, tăng 8,7 triệu tấn so với dự báo cuối năm 2009. Trao đổi với PV Hànộimới, một đại diện của VFA cho biết, khó khăn của xuất khẩu gạo trong lúc này là tìm kiếm hợp đồng thương mại, nhất là châu Phi, vốn được coi là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam. Thậm chí, có hợp đồng đã được ký kết nhưng phía nhà nhập khẩu không chịu thực hiện với lý do không đủ năng lực tài chính. Ông Phạm Thành Ngọc, Trưởng phòng Kinh doanh (Tổng Công ty Lương thực miền Nam) cũng đánh giá thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang có nhiều khó khăn. Hiện tại tổng công ty chỉ thực hiện giao hàng đối với các hợp đồng đã được ký kết, chủ yếu là giao cho Philippine, Malaysia. Còn các hợp đồng mới, nhất là hợp đồng thương mại hầu như không có.
Điều hành linh hoạt
Hiện tại VFA thực hiện chủ trương của Chính phủ mua hết lúa hàng hóa cho nông dân và tiếp tục mua thêm nửa triệu tấn gạo tạm trữ chờ xuất khẩu là giải pháp đúng. Vấn đề đặt ra là có nhiều khả năng giá gạo thế giới chưa thể hồi phục trong quý II và thậm chí quý III, nhưng với việc El Nino đang hoành hành dữ dội như hiện nay, kịch bản giá gạo tăng mạnh vào cuối năm nay giống như năm 2009 cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục áp dụng phương thức điều hành linh hoạt để doanh nghiệp có được hợp đồng mới. Trong quý II nếu các doanh nghiệp có thể xuất được 2 triệu tấn như dự kiến thì xuất khẩu gạo sẽ không đáng ngại. Với thị trường trong nước, nếu mua hết 500 nghìn tấn gạo mà giá còn thấp, VFA sẽ tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện nay, giải pháp tiếp tục mua vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất. Điểm thuận lợi là đến nay các doanh nghiệp chưa gặp khó khăn về nguồn vốn vay, mặc dù lãi suất vẫn được tính theo thị trường. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, ngoài những giải pháp nói trên, VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới để có những dự báo kịp thời, trên cơ sở này điều hành tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, bảo đảm quyền lợi cho nông dân trồng lúa.
Xuất khẩu gạo quý II phấn đấu đạt 2 triệu tấn (HNM) - Tại hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo tháng 4 và kế hoạch xuất khẩu gạo quý II-2010 vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo quý II phấn đấu đạt trên 2 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm trước là 2,065 triệu tấn. Cũng theo VFA, lượng gạo tồn kho trong doanh nghiệp tính đến thời điểm cuối tháng 4-2010 gần 2 triệu tấn. Theo dự báo, thị trường gạo thế giới quý II vẫn tiếp tục suy giảm do lượng gạo tồn kho các nước tương đối lớn, cộng với giá gạo xuất khẩu của một số nước như Thái Lan giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu gạo của nước ta. Đỗ Chí |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.