(HNM) - Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2013 tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã 17 lần nhắc tới cụm từ
Ngoại giao đã góp phần đưa hình ảnh Việt Nam năng động và phát triển đến với bạn bè quốc tế. |
Với tinh thần hòa hiếu cao đẹp, Việt Nam xem lòng tin là đạo nghĩa bất biến và cũng là cơ sở cốt lõi để thúc đẩy việc giải quyết những khác biệt còn tồn tại cũng như mở ra những mối quan hệ hợp tác đầy hứa hẹn. Vì vậy, việc nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược với Italia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Pháp và thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện với Hoa Kỳ, Đan Mạch đã thể hiện rõ tinh thần hợp tác tạo một dấu ấn quan trọng cho tiến trình hội nhập sâu rộng của đất nước. Đến nay Việt Nam đã trở thành Đối tác Chiến lược của 13 quốc gia và Đối tác Toàn diện của 11 nước, trong đó có tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).
Như một kết quả thiết thực của các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội trong suốt năm qua, điều này đã phản ánh chính sách ngoại giao chủ động của Việt Nam, đồng thời xác lập một vị thế mới của đất nước trong mối quan hệ với các quốc gia riêng rẽ cũng như trên trường quốc tế. Thông qua sự gắn kết chính trị chặt chẽ hơn với các đối tác là những lợi ích to lớn ở nhiều bình diện đối với dân tộc. Nhìn tấm bản đồ ngoại giao vừa có thêm nhiều nét mới, dễ dàng nhận thấy rằng đường lối đối ngoại đa phương, quan điểm Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới tiếp tục được phát huy một cách linh hoạt. Bên cạnh việc xây dựng quan hệ gần gũi với các nước lớn, những quốc gia có vai trò và ảnh hưởng trong việc định hình cục diện toàn cầu, Việt Nam cũng đã tích cực đa dạng hóa mối quan hệ quốc tế nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong thời đại mới. Trong đó, sự gắn kết với Liên minh Châu Âu (EU) - trụ cột chính trị, kinh tế quan trọng của thế giới và cũng là nhà tài trợ ODA rất lớn của Việt Nam và các thành viên trong cộng đồng ASEAN - được xác định là tổ chức có vị trí trọng yếu với đất nước đã trở thành những ưu tiên quan trọng.
Bằng những sợi dây liên kết đã và đang được thiết lập, Việt Nam không chỉ khẳng định được vai trò của một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ mà còn tranh thủ được tiếng nói ủng hộ của các quốc gia bè bạn với công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích lâu dài của dân tộc. Có thể nói, thành công trên mặt trận ngoại giao đa phương đã góp một mảng màu trong bức tranh tươi sáng của ngoại giao Việt Nam năm 2013. Lần đầu tiên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền LHQ với số phiếu cao nhất trong các ứng viên, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) niên khóa 2013-2014, trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2014-2017, lần thứ hai được chọn là quốc gia đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017… Những trọng trách vừa được giao phó trước hết đã bác bỏ những tiếng nói chống phá lạc lõng đang cản trở thế đi lên không thể đảo ngược của đất nước. Bên cạnh đó, kết quả này cũng cho thấy vị thế, uy tín ngày một lớn mạnh của Việt Nam cũng như khẳng định tuyên bố Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Niềm tự hào, niềm tin vào tương lai của đất nước, của dân tộc được tiếp sức bởi những thành tựu ấn tượng trên lĩnh vực kinh tế. Cho dù nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi "tàn dư" khủng hoảng, các nhà đầu tư trên thế giới vẫn dành sự tin tưởng đối với kinh tế Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2013 vẫn đạt hơn 20 tỷ USD, tăng hơn 65% so với năm trước. Các mối quan hệ chính trị nồng ấm đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đàm phán các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương. Những nỗ lực tích cực để tiến tới FTA với EU, Hàn Quốc hay sự tham gia tích cực trong các vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khởi động đối thoại Liên minh thuế quan với Nga - Belarus - Kazakhstan… là những trọng tâm nhằm đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế.
"Ngày nay, khi người dân Mỹ nghe thấy hai tiếng Việt Nam, họ sẽ nghĩ về một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh... Việt Nam đã nổi lên như một trong những câu chuyện thành công lớn lao ở Châu Á", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong bài phát biểu chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 7 năm ngoái đã khẳng định như vậy. Việc thay đổi hình ảnh đất nước, đưa một Việt Nam thân thiện và năng động đến với bạn bè quốc tế trong thời gian qua có sự đóng góp đáng kể của công tác đối ngoại. Trong tâm thế mới của dân tộc, dòng chảy phát triển sẽ tiếp tục định hình đất nước khi Việt Nam không ngừng hòa mình vào xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế mạnh mẽ của thời đại, để mỗi người dân luôn tự hào là người con của dân tộc Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.