(HNM) - Những ngày này, các cấp, các ngành đang triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cũng dịp này cách đây 102 năm, vào ngày 18-6-1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã gửi đến Hội nghị Versaille bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Có thể nói, đây là tuyên ngôn chính trị của Nguyễn Ái Quốc về quyền con người, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại cũng như để lại nhiều bài học giá trị cho đến hôm nay.
1. Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Sau 8 năm trải nghiệm và khảo sát thế giới, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc mau chóng tích lũy vốn sống xã hội, xác lập vị thế tư tưởng cứu nước hoàn toàn khác với các thế hệ đi trước và cùng thời. Từ “Bản án chế độ thực dân Pháp” cho tới tờ báo “Người cùng khổ” và đặc biệt là bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm gửi Hội nghị Versaille (ngày 18-6-1919) tổ chức tại Pháp, đã cho thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp chỉ có thể thành công khi được soi rọi bởi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là minh chứng lịch sử, cổ vũ, thôi thúc Nguyễn Tất Thành hăng hái, sôi nổi lăn xả vào phong trào vô sản thế giới, đấu tranh bảo vệ hệ tư tưởng cách mạng vô sản, góp phần gia tăng sức sống cho phong trào cách mạng vô sản ở Pháp và thế giới.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) là minh chứng lịch sử cho tiên đoán của Mác, Ăngghen, Lênin về sự phơi bày bản chất áp bức bất công trên phạm vi thế giới, về mâu thuẫn nội bộ giữa bày sói thực dân đế quốc gây chiến tranh giành thị trường, đẩy người dân vô tội vào thảm họa chiến tranh, làm bia đỡ đạn cho chủ nghĩa tư bản. Hội nghị Versaille là cuộc hoan hỉ của những nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất; bản chất chính trị, xã hội của nó là sự thỏa thuận chia chác lợi ích cho các nước thắng trận (nòng cốt là Mỹ - Anh - Pháp).
Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1919, nhân loại chưa kịp nhận diện nguyên hình bộ mặt giả nhân giả nghĩa của chủ nghĩa tư bản mới thì người ta vẫn le lói hy vọng vào một trật tự thế giới mới có sinh khí dân chủ. Xứ An Nam, Đông Dương, cũng như nhiều nước châu Phi đang là thuộc địa của Pháp cũng mong mỏi có được sự cải thiện, nới lỏng sợi dây bóp nghẹt quyền tự do, dân chủ. Rõ ràng, xét về bối cảnh lịch sử thì đây là cơ hội mới.
Với tư cách là người An Nam yêu nước, Nguyễn Tất Thành tự lãnh trách nhiệm chính trị, thỉnh nguyện tới lãnh đạo của các cường quốc thế giới, mong cởi nút thắt nền thống trị hà khắc đối với xứ An Nam và Đông Dương. Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” do nhóm người Việt Nam yêu nước đang hoạt động tại Pháp cùng hội tụ trí tuệ, tâm huyết, được đứng tên bởi Nguyễn Ái Quốc đã được gửi tới Hội nghị Versaille. Tuy không được đưa vào chương trình nghị sự, nhưng nhờ được đăng trên báo và gửi các đại biểu dưới hình thức “bên lề” hội nghị, nên những tư tưởng dân chủ, nhân quyền, pháp lý, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội, kinh tế… mà Nguyễn Ái Quốc đòi cho người An Nam được lan truyền rộng rãi.
Xét về nội dung và dung lượng thì bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” có lẽ là một loại văn bản chính trị, tư tưởng cách mạng ngắn nhất của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Xét về tính chất, chính trị và giá trị nhân sinh thì đây là văn bản cô đọng, súc tích, có độ nén quan điểm, tư tưởng cách mạng rất cao. Thứ nhất, bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đặt quyền tự do, bình đẳng, dân chủ cho người dân ở xứ thuộc địa. Thứ hai, qua đó đòi quyền tự chủ (ở mức khiêm tốn, là một thể chế chính trị có quyền tự chủ tương đối với chính quốc). Thứ ba, khơi gợi hướng mở lịch sử cho An Nam và Đông Dương thoát khỏi đêm trường nô lệ bằng con đường hòa bình. Như vậy, với tư cách đại diện cho lòng dân yêu nước Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã công khai, trực diện thỉnh nguyện tới những nhà lãnh đạo chóp bu trong hệ thống tư bản thế giới về quyền tự do, dân chủ, quyền sống, quyền làm người và tôn trọng dân tộc đối với người An Nam...
2. Trong khi tư bản Mỹ hân hoan vì được tán đồng vị thế hạt nhân của phe dân chủ tư sản; tư bản Anh toại nguyện vì vẫn giữ được hệ thống thuộc địa của mình; tư bản Pháp được chiếm đoạt vùng đất giàu khoáng sản vì sự bồi thường chiến phí từ Đức, chẳng nước nào để tâm đến bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc. Thân phận người An Nam tôi đòi và hy sinh xương máu cho lợi ích chính quốc vẫn bị trói buộc như cũ, có phần lại hà khắc, bị bóc lột thậm tệ hơn bởi chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp. Điều đó đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc và những người Việt Nam yêu nước nhận thức rõ hơn bản chất chính trị và tâm địa của chủ nghĩa tư bản, thực dân, đế quốc. Chúng không dễ gì tự từ bỏ ngôi vị thống trị, không mảy may động lòng thương xót những kiếp đời nô lệ. Chỉ có một con đường đấu tranh cách mạng lật đổ ách thống trị thực dân, đế quốc, đó là con đường cách mạng vô sản do chính đảng vô sản lãnh đạo.
Sau đó 1 năm (vào ngày 16 và 17-7-1920) Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận và phát hiện chân lý thời đại trong Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (đăng trong 2 số liền nhau trên Báo “Nhân đạo” của Pháp). Bước ngoặt then chốt trong tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã ở độ chín muồi. Người khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Người tin tưởng rằng, chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin. Nếu đặt vào bối cảnh những năm 20 của thế kỷ XX, khi mà quốc tế cộng sản đang phải tự mình khẳng định tính cách mạng, tính khoa học giữa muôn màu tư tưởng phi Mác xít, thì mới thấy rõ cách mạng Việt Nam vô cùng may mắn vì đã có được Nguyễn Ái Quốc tiên phong lựa chọn đúng, trúng chân lý thời đại.
… Những ngày này, khi cả nước ta bắt đầu triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn khóa Đại hội XIII của Đảng với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thì việc tìm hiểu bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” cho thấy tầm nhìn vượt thời gian và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là con đường cách mạng vô sản, đảng vô sản chân chính lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, hành động vì mục tiêu tối thượng: Độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh xuyên suốt tiến trình cách mạng ở nước ta trong những năm qua cũng như cho tương lai, nuôi dưỡng khát vọng trường tồn, cường thịnh dân tộc như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
8 nội dung cơ bản trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm: Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người âu châu, xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; Tự do báo chí và tự do ngôn luận; Tự do lập hội và hội họp; Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.