Chính trị

Ủy ban kiểm tra có thể yêu cầu phong tỏa tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Hà Vũ 23/05/2025 - 17:48

Ủy ban kiểm tra có thể đề nghị, yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, kê biên, phong tỏa tiền, tài khoản, tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đây là nội dung trong Quy định số 287-QĐ/TƯ (ngày 30-4-2025) của Bộ Chính trị về thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (Quy định 287). Quy định gồm 3 chương, 12 điều, được phổ biến đến chi bộ.

Quy định 287 nêu rõ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đồng thời xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thu hồi tài sản này. Đối tượng áp dụng của Quy định bao gồm cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

f811bfc304dccf244fa06f3a3158c5bebf98b6f4feb76a73c2f-_ttxvn-tong-bi-thu-to-lam-lam-viec-voi-uy-ban-kiem-tra-trung-uong-2205-2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 22-5-2025. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Quy định 287 làm rõ các khái niệm quan trọng. "Tài sản do tham nhũng, tiêu cực" được hiểu là tiền, tài sản có được hoặc có nguồn gốc từ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đã được cấp ủy, ủy ban kiểm tra kết luận, yêu cầu thu hồi, nộp ngân sách nhà nước hoặc được tổ chức, cá nhân chủ động nộp lại.

"Tài sản lãng phí" là ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước và tài nguyên, khoáng sản được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không hiệu quả, không đạt mục tiêu đã định.

"Thu hồi tài sản" là việc cấp ủy và ủy ban kiểm tra thông qua kiểm tra, giám sát thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của tổ chức đảng, đảng viên hoặc do tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động, tự giác nộp lại cho cơ quan có thẩm quyền.

Quy định 287 xác định cụ thể những nguyên tắc để đảm bảo hiệu quả và sự nghiêm minh trong quá trình thu hồi.

Việc thu hồi tài sản phải đúng trình tự, thủ tục, song song với quá trình xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tài sản sau khi thu hồi phải được quản lý, bảo quản, sử dụng đúng quy định. Phát huy tinh thần gương mẫu, tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi che giấu, hủy hoại, tẩu tán, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng của tài sản. Khuyến khích thu hồi kịp thời tài sản do tổ chức đảng, đảng viên và tổ chức, cá nhân liên quan chủ động, tự giác nộp để khắc phục hậu quả hoặc chờ xử lý theo quy định pháp luật.

Quy định 287 nêu rõ 4 căn cứ để thu hồi tài sản. Đó là kết luận kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo của cấp ủy, ủy ban kiểm tra (bao gồm thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tài chính đảng, giám sát chuyên đề, giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên). Kết luận kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền. Quyết định thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (nếu có). Tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động báo cáo xin khắc phục hoặc nộp lại tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trước khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, kết luận, hoặc chủ động nộp tài sản khắc phục hậu quả do vi phạm dẫn đến thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Về trình tự, thủ tục, Quy định yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên vi phạm cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu về tài sản, thực hiện các yêu cầu thu hồi. Tiền thu hồi được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoặc các cơ quan ủy ban kiểm tra cấp dưới, các tài sản khác được thống kê, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền...

Quy định 287 phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo ủy ban kiểm tra thực hiện việc thu hồi tài sản, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bảo đảm thu hồi kịp thời, đầy đủ tài sản, và chỉ đạo quản lý, sử dụng tài sản đã thu hồi.

Ủy ban kiểm tra các cấp có trách nhiệm mở tài khoản tạm giữ tại kho bạc nhà nước, thông báo và hướng dẫn việc nộp tiền, tài sản phải thu hồi. Đồng thời, hướng dẫn tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện thủ tục thu hồi, tiếp nhận tài sản tự giác khắc phục, yêu cầu các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền phối hợp thu hồi tài sản. Đặc biệt, ủy ban kiểm tra có thể yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, kê biên, phong tỏa tiền, tài khoản, tài sản nếu có căn cứ xác định đối tượng kiểm tra, giám sát có dấu hiệu hủy hoại, tẩu tán tài sản...

Ngoài ra, để khuyến khích việc thu hồi tài sản, Quy định 287 nêu rõ, tổ chức đảng, cá nhân có thành tích trong việc thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ được khen thưởng kịp thời. Ngược lại, các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong việc thu hồi tài sản hoặc cản trở hoạt động thu hồi sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban kiểm tra có thể yêu cầu phong tỏa tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.