Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tầm nhìn mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Đỗ Minh| 18/01/2023 07:02

(HNM) - Ngày 16-6-2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được coi là đòn bẩy cho “tam nông” nước nhà, thiết lập tầm nhìn mới, khẳng định những giá trị về kinh tế cũng như đời sống trong sự phát triển chung của đất nước.

Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Vũ Sinh

Định hướng phát triển phù hợp với thực tiễn

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nỗ lực của người dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Tiếp nối những thành công đó, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TƯ. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng phát triển “tam nông” phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đây, các ngành, các địa phương nhân rộng những mô hình hiệu quả; góp phần nâng cao năng lực, vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, cải thiện đời sống nông dân...

Năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhận những kết quả nổi bật. Xuất khẩu nông sản đạt 53,2 tỷ USD (tăng 9,3% so với năm 2021), mức cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế đến hết năm 2022, cả nước có 6.009/8.225 xã (chiếm 73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ - đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 42 đơn vị so với cuối năm 2021 (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Năm 2022, dù đối diện với không ít khó khăn, song giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội ước đạt 40.638,4 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm 2021. Về xây dựng nông thôn mới, đến nay thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 huyện đăng ký hoàn thành trong năm 2022. Tính đến đầu tháng 12-2022, toàn thành phố có 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 32 xã so với kế hoạch thành phố giao.

Nâng tầm cho “tam nông“

Nghị quyết số 19-NQ/TƯ đề ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,51-6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn bình quân đạt trên 10%/năm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ cũng đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, như: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp ở nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho biết, để triển khai hiệu quả nghị quyết, cần chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, “tích hợp đa tầng giá trị”; chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; tiếp cận, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp; giáo dục nông nghiệp, hướng nghiệp nông nghiệp cho thế hệ trẻ.

Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đối với vấn đề nông thôn cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản..., qua đó làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

“Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với địa phương mình, tận dụng thế mạnh để có hướng đi riêng”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.