(HNM) - Chiều 8-4, phát biểu kết luận Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 19, UV BCT - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nói: Các đề án chiến lược phát triển với tầm nhìn đến năm 2050 mà các đại biểu đã thảo luận trong hai ngày qua là sự tập hợp ý chí của các nhà lãnh đạo các cấp và trí tuệ của toàn xã hội!
Tầm nhìn, mục tiêu hay tiêu chí xây dựng Thủ đô vài chục năm sau mà các đề án đưa ra, về bản chất chỉ là một. Đó là thể hiện trí tuệ và trách nhiệm cao của lãnh đạo Hà Nội và của các tầng lớp nhân dân với hiện tại và mai sau:
1. Chỉ có năng lực trí tuệ với "đôi mắt" tinh tường mới có thể phân tích một cách khoa học định hướng phát triển của Hà Nội trong tương lai xa. Năng lực đó bao gồm năng lực nội tại là chủ yếu kết hợp với huy động năng lực của toàn xã hội và năng lực bên ngoài. Có một thực tế là lâu nay "chiến lược phát triển" ở nước ta thường được ứng xử như với cái gì đó xa vời và đương nhiên nhân sự phụ trách vấn đề này được bố trí là những người không mấy quan trọng, việc đầu tư tiền của cũng... gọi là cho có! Trong khi đó, ở các nước phát triển nó được coi là điều tiên quyết xác định lý do sự tồn tại và phát triển nên họ tập trung những nhân sự có trí tuệ, chi ra rất nhiều tiền của để nghiên cứu. Nhưng hôm nay, bằng việc huy động tổng lực trí tuệ của mình và toàn xã hội để xây dựng các đề án phát triển chiến lược có tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã và đang phá vỡ tiền lệ.
2. Hình ảnh Hà Nội trong vài chục năm sau được xác định: Là Thủ đô văn minh, hiện đại nhưng mang đậm bản sắc Việt Nam. Suy cho cùng, hình ảnh đó là tầm nhìn và cũng là mục tiêu, là tiêu chí phát triển của Hà Nội - một Hà Nội với vai trò tự thân cũng như vai trò mới được tạo ra trong tiến trình lịch sử của Thủ đô trong lòng quốc gia phát triển mở cửa và hội nhập nhưng trên nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc.
3. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Hà Nội phải nuôi dưỡng, phát huy, bảo tồn những tiềm năng hiện có, xây dựng và tạo dựng những nguồn năng lực cần có trong tương lai, những năng lực mà Hà Nội còn thiếu. Mặt khác, Hà Nội phải chấp nhận việc hạn chế, loại bỏ những "thói quen" đang trở thành vật cản của tiến trình phát triển. Và Hà Nội có tầm nhìn xa nhưng phải có cả tầm nhìn gần hoặc ngược lại - cũng là một vấn đề không hề đơn giản. Đây là những bài toán rất khó, song như thế không có nghĩa là không có lời giải. Hà Nội đã bước đầu tự tìm thấy lời giải. Trong tương lai, Hà Nội sẽ phải chấp nhận không chỉ cần một lần mà sẽ còn nhiều lần trăn trở để giải những bài toán khó này ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm tránh những bước đi chệch hướng.
4. Chiến lược phát triển là dành cho thế hệ mai sau. Làm sao để thế hệ sau tự hào về cha anh cũng là vấn đề rất lớn của những nhà lãnh đạo Hà Nội hiện nay. Về nguyên lý, thế hệ sau được thừa hưởng tinh hoa của nhân loại nhiều hơn thế hệ trước. Song, ý chí, trí tuệ và trách nhiệm của thế hệ trước đối với thế hệ sau lại luôn là tấm gương soi. Những gì Hà Nội đang làm hôm nay cũng như những đề án đang được tiếp tục tiếp thu ý kiến và hoàn chỉnh, chắc chắn sẽ là niềm tự hào của thế hệ sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.