Nông nghiệp - Nông thôn

Tầm nhìn cho nông nghiệp, nông thôn Thủ đô

Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội 04/06/2024 - 12:19

Hà Nội sẽ phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử; trong đó, có lợi thế lớn nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển.

hoa-dong-thap.jpg
Mô hình trồng hoa đồng tiền trong nhà kính tại Hợp tác xã hoa Đồng Tháp (huyện Đan Phượng). Ảnh: Minh Phú

Ngày 24-5-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ (Kết luận số 80) về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là căn cứ chính trị quan trọng để Hà Nội hoàn chỉnh 2 đồ án quy hoạch, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy.

Tại kết luận này, Bộ Chính trị đã lưu ý, nhấn mạnh 8 nội dung đối với 2 đồ án quy hoạch của Hà Nội. Trong đó, có những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô.

Cụ thể, Kết luận số 80 chỉ rõ, Hà Nội cần: “Nhấn mạnh rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hài hòa đô thị và nông thôn theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn”… “Xây dựng các khu nông thôn theo các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp…”.

Có thể nói, đây là những vấn đề lớn, có tính thời sự cả về hiện tại và tầm nhìn đối với Thủ đô.

Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của cả nước… Hiện tại, khu vực nông thôn của Hà Nội vẫn còn rất lớn với 18/30 quận, huyện, thị xã. Đô thị hóa nông thôn Hà Nội là điều tất yếu.

Do đó, trong công tác quy hoạch, việc tính toán kỹ lưỡng để xây dựng nông thôn tiệm cận với đô thị, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn là vô cùng cần thiết, nhằm tạo bước chuyển vững chắc khi xây dựng đầu tư các huyện thành quận, tiết kiệm thời gian và kinh phí, kế thừa và phát huy được những giá trị truyền thống của đời sống văn hóa nông thôn trong phát triển đô thị tương lai...

Đặc biệt, với tiềm năng và lợi thế riêng có, Hà Nội có hơn 1.350 làng có nghề, trong đó 327 làng được công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề sẽ tạo ra hiệu quả kép để người làng nghề nâng cao thu nhập, bảo tồn nét đẹp văn hóa…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các huyện đang tập trung hoàn thành Đề án quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong các đề án quy hoạch này đã tích hợp tất cả quy hoạch ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đối với ngành NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố có hơn 195.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Theo quy hoạch định hướng thời gian tới, Hà Nội sẽ phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử; trong đó, có lợi thế lớn nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 20-70% nhu cầu tiêu dùng của khoảng 10 triệu người dân sinh sống, học tập, công tác trên địa bàn thành phố. Do đó, nông nghiệp Hà Nội thời gian tới sẽ tập trung vào quy hoạch sản xuất theo quy hoạch chung vùng huyện và quy hoạch vùng Thủ đô. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; quảng bá, tiêu thụ và liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đến người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế.

Thực hiện nhiệm vụ được UBND thành phố giao, Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp với các cơ quan của Bộ NN&PTNT liên kết với 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tạo vùng nguyên liệu, kết nối, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề theo hướng an toàn, hiệu quả, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, Sở đang xây dựng đề án tổng thể về phát triển làng nghề bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo Kết luận số 80.

Bên cạnh đó, sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản để đáp ứng nhu cầu nội tại của thành phố. Song song với đó, phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp là hướng đi trúng để người dân phát triển kinh tế, vừa xây dựng không gian xanh cho Thủ đô, vừa tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn cho nông nghiệp, nông thôn Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.