Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạm ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem: Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ

Hải Hà| 07/05/2013 05:56

(HNM) - Quyết định tạm dừng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem của Bộ Y tế vào ngày 4-5 đã gây hoang mang cho người dân...

Người dân nên chờ quyết định của Bộ Y tế khi tạm ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem. Ảnh: Việt Cường


Hoang mang vì dừng sử dụng vắc xin

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm (Sở Y tế Hà Nội), vài năm gần đây, hiện tượng trẻ bị phản ứng sau khi được tiêm chủng vắc xin Quinvaxem ở Hà Nội vẫn xảy ra. Tuy nhiên, giới chuyên môn hiện vẫn chưa tìm ra bằng chứng để có thể kết luận hiện tượng nói trên là do chất lượng vắc xin kém hay do kỹ thuật tiêm chủng. Sự cố đáng chú ý nhất diễn ra vào đầu tháng 1-2013, khi một trẻ 4 tháng tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội) đã tử vong sau hơn một ngày được tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 2. Ngay lập tức, Hà Nội đã tạm dừng lưu hành lô vắc xin này. Mặc dù kết quả kiểm định mới đây cho thấy vắc xin này là an toàn, nhưng Hà Nội vẫn quyết định tạm dừng sử dụng để chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Số liệu cho thấy, mỗi năm ở Hà Nội có khoảng 140.000 trẻ dưới 1 tuổi phải tiêm chủng, trong đó có loại vắc xin Quinvaxem 5 trong 1, mỗi liều đủ gồm 3 mũi tiêm. Số lượng lớn như vậy, dễ hiểu là quyết định tạm dừng sử dụng loại vắc xin nói trên sẽ gây xáo trộn thế nào, chưa kể việc dừng sử dụng Quinvaxem đặt ra yêu cầu bổ sung một lượng lớn vắc xin mới. Lịch tiêm chủng mở rộng ấn định ngày tiêm là chủ nhật, 5-5, chỉ một ngày sau khi Bộ Y tế thông báo tạm dừng tiêm chủng mũi 5 trong 1 Quinvaxem (ngày 4-5) nên sau khi có quyết định, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phải gọi điện đến tất cả các cơ sở tiêm chủng để thông báo thông tin này. Tuy thế, người dân tỏ ra khá hoang mang.

Từ ngày 5-5, nhiều người đã đến Trung tâm Y tế dự phòng để hỏi vì sao lại dừng sử dụng vắc xin, những trẻ đã được tiêm loại vắc xin này rồi thì liệu có bị ảnh hưởng gì không… "Chúng tôi có thông báo với họ rằng Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chưa nhận được văn bản chính thức, mới chỉ biết thông tin qua báo chí. Tôi đã hỏi Cục Y tế dự phòng thì được thông báo rằng, việc dừng vắc xin Quinvaxem là để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong lúc chờ có đánh giá toàn diện về vắc xin này của Tổ chức Y tế thế giới để có thể ra quyết định tốt hơn" - ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết.

Những vấn đề phát sinh sau quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin không dừng lại ở đó. Điều đáng nói là sau hai ngày có quyết định dừng, một số người đã cho trẻ đi tiêm dịch vụ. Lại thêm một câu hỏi nữa, rằng việc trẻ đã tiêm một mũi vắc xin Quinvaxem, sau đó chuyển sang tiêm các loại vắc xin khác thì liệu có ổn hay không? Theo chuyên gia y tế, không có sự khác biệt về chất lượng, không có sự "xung đột" giữa các vắc xin, vấn đề chỉ là vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 được sử dụng khi tiêm dịch vụ là vắc xin thế hệ mới, có thành phần ho gà vô bào ít gây phản ứng hơn so với thành phần ho gà tế bào như Quinvaxem, giá vắc xin 5 trong 1 khoảng 600.000đ/mũi, 6 trong 1 là 680.000 đồng/mũi.

Hôm qua, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vẫn phải tư vấn liên tục cho người dân về các vấn đề liên quan đến việc dùng hay không dùng vắc xin nói trên.

Chưa có vắc xin thay thế

Ngày 6-5, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình đã có văn bản thông báo tạm dừng tiêm ngừa bằng vắc xin Quinvaxem, nguyên nhân là do tỷ lệ tai biến sau tiêm trong những tháng đầu năm 2013 cao hơn bình thường. Theo ông Nguyễn Văn Bình, với các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng avanx thì vẫn tiến hành tiêm ngừa bình thường. Riêng với vắc xin Quinvaxem, tuy chưa tìm ra bằng chứng liên quan nhưng cũng chưa tìm ra bằng chứng loại trừ ảnh hưởng của chúng đối với các trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Y tế chưa có phương án thay thế trong thời gian chờ đợi kết quả kiểm định vắc xin Quinvaxem tại một phòng thí nghiệm độc lập ở Anh và kết luận của đoàn điều tra nguyên nhân tai biến ở tất cả các trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem của Tổ chức Y tế thế giới.

Trao đổi với báo chí cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, có thể lịch tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi tiêm 3 mũi, cách nhau 2 tháng/mũi, dừng tiêm 2-3 tháng vẫn có tác dụng sinh miễn dịch, vẫn chờ đợi được. Người dân không có điều kiện đi tiêm dịch vụ thì nên chờ đợi quyết định về việc có tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem nếu loại vắc xin này được chứng minh là an toàn, hay đổi sang dùng loại vắc xin mới.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, nếu việc kiểm định kéo dài, hoặc nếu có quyết định không tiếp tục dùng Quinvaxem nữa thì Việt Nam có thể quay lại sử dụng vắc xin đơn liều ngừa viêm gan B và Hib và vắc xin 3 trong 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván được sản xuất trong nước. "Nên yên tâm chờ quyết định của Bộ Y tế" - ông Nguyễn Thanh Long nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạm ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem: Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.