(HNM) - Cầu lông là một trong 13 môn tổ chức đấu sớm ngay trong tháng 11 của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7-2014.Thi đấu tại Thái Bình, giải đấu này đã ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của thể thao Thủ đô, khi lần đầu tiên Hà Nội vượt qua những cặp VĐV danh tiếng của TP Hồ Chí Minh
Thi đấu tại Thái Bình, giải đấu này đã ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của thể thao Thủ đô, khi lần đầu tiên Hà Nội vượt qua những cặp VĐV danh tiếng của TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Công an để giành HCV ở nội dung đôi nam. Đáng tự hào hơn khi chiến công ấy lại thuộc về một cặp VĐV rất trẻ: Lê Hà Anh - Đào Mạnh Thắng. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Chủ nhiệm Bộ môn Cầu lông Hà Nội Dương Thị Liên về kỳ thi đấu đáng nhớ này.
Ảnh minh họa |
- Thưa bà, bà có bất ngờ với tấm HCV của Hà Anh - Mạnh Thắng?
- Trong quá trình chuẩn bị cho giải đấu, nhìn Hà Anh - Mạnh Thắng đánh đôi, nhiều người đã dự báo là "Hà Nội có thể giành HCV". Nhưng trong thi đấu khó có thể nói trước điều gì, nhất là khi trình độ của các cặp đấu là tương đối đồng đều; sự cạnh tranh rất lớn, "sểnh" một chút là thua. Ở nội dung này, không ai ngờ hai cặp VĐV của TP Hồ Chí Minh thường xuyên chia nhau vị trí nhất, nhì các năm trước, kỳ này lại sớm bị loại bởi cặp VĐV của Hà Nội và cặp VĐV của Quân đội. Ở cả trận bán kết gặp Quân đội và chung kết gặp Công an, cặp VĐV của Hà Nội đều phải lội ngược dòng, thua séc đầu tiên rồi thắng ngược đầy gay cấn ở 2 séc sau. Trong thế trận căng thẳng, với trình độ ngang ngửa như thế, "ăn nhau" là ở chiến thuật và tâm lý. Vì vậy, tôi đánh giá rất cao chiến công của Hà Anh - Mạnh Thắng.
Ngoài HCV đôi nam, cầu lông Hà Nội còn giành được 2 HCB, 5 HCĐ. Cụ thể: 2 HCB thuộc về nội dung đồng đội nam và nội dung đôi nam - nữ (Đào Mạnh Thắng - Phạm Như Thảo). 5 HCĐ thuộc về nội dung đồng đội nữ, đơn nữ (Lê Thu Huyền), đôi nữ (Nguyễn Thị Mai Anh - Lê Hà Trang), đơn nam (Lê Hà Anh), đôi nam (Bùi Bằng Đức - Vương Thành Tân). |
- Có thể nói đó là thành quả xứng đáng sau sự đầu tư bền bỉ của Hà Nội dành cho bộ môn cầu lông những năm qua?
- Thấm thoắt đã 8 năm kể từ khi lứa VĐV của Hà Nội dự kỳ giải này tham gia thi đấu kỳ đại hội đầu tiên của các em vào năm 2006, lúc các em mới 16 tuổi. Cũng lứa VĐV ấy, năm 2010 lại được xung trận, thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, bước đầu giành huy chương nhưng chưa có vàng. Nay, các em đã xuất sắc giành 1 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ. Trong số các VĐV cầu lông Hà Nội tham dự đại hội kỳ này, lớn nhất mới 24 tuổi, nhỏ mới chỉ 20, 21 tuổi. Các em đang tràn đầy sức trẻ và dần bước vào độ chín.
- Đầu tư cho một lứa VĐV thành tài quả là không hề đơn giản?
- Không thể làm theo kiểu chín ép, mà phải đầu tư bền bỉ, thường xuyên. Hiện tại, sau quá trình đầu tư dài hạn, cầu lông Hà Nội đã mạnh cả 3 tuyến. Tuyến đội tuyển có 20 em, tuyến trẻ 15 em, tuyến năng khiếu có vài chục em. Tôi rất tiếc khi Hà Nội có những VĐV 16 tuổi có tố chất rất tốt, nhưng không thể thi đấu kỳ đại hội này do điều lệ giới hạn về số lượng VĐV của các đoàn.
- Bà có thể nói rõ hơn về việc này?
- Những năm 1980, cầu lông chủ yếu phát triển ở TP Hồ Chí Minh, đơn vị này thường "ẵm" hết cả 7 bộ HCV, chưa kể rất nhiều HCB, HCĐ. Vì vậy, điều lệ giới hạn VĐV của mỗi đơn vị khi ấy là phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho phong trào phát triển. Nay, sau hơn 20 năm, "bản đồ" môn cầu lông đã thay đổi, với nhiều địa phương, ngành có thế mạnh hơn như Bắc Giang, Hà Nội, Công an, Quân đội, Đà Nẵng…, thay vì chỉ riêng TP Hồ Chí Minh "làm mưa gió". Đã đến lúc cần có sự điều chỉnh về điều lệ, tạo điều kiện tối đa cho các VĐV trẻ có cơ hội sớm nhập cuộc.
- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.