Chính trị

Tâm huyết, trách nhiệm đóng góp vào thành công Đại hội Đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ X

Bạch Thanh 21/09/2023 14:40

Từ kinh nghiệm quý của nhiệm kỳ qua, nhằm đưa ra giải pháp xây dựng tổ chức Hội Nông dân Thủ đô ngày càng lớn mạnh, tại Đại hội Đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm được bày tỏ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường:

Quỹ Hỗ trợ Nông dân và đồng vốn chính sách thực sự là "bệ đỡ"...

d3c1fc3558828ddcd493.jpg

Toàn huyện Ba Vì hiện đang quản lý hiệu quả hơn 700 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi, cho hơn 10.000 hộ vay.

Các nguồn vốn vay trên giúp các hộ hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, nuôi con em ăn học… góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm của huyện; tạo điều kiện cho nông dân phát huy thế mạnh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu như chăn nuôi bò sữa, trồng chè ở các xã miền núi; trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn ở các xã đồi gò; nuôi trồng thủy sản, trồng lúa chất lượng cao ở các xã đồng bằng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Các phương thức cho vay đơn giản, thuận tiện, hỗ trợ tối đa về lãi suất đã có tác động tích cực, khuyến khích người vay sản xuất hàng hóa đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Do đó, nhiệm kỳ tới, để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, tôi cho rằng việc nâng cao hơn nữa nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn ưu đãi khác là giải pháp quan trọng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ:

Nông dân cần đẩy mạnh nông nghiệp đô thị, công nghệ cao…

1cb519d0bd6768393176.jpg

Hiện nay, huyện Đông Anh có hơn 30 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn, cây ăn quả và hoa lan; có 90 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chim cút ứng dụng công nghệ cao; 20 mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Thời gian tới, để góp phần phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, Hội Nông dân Đông Anh đề nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cán bộ trẻ để xây dựng lực lượng cán bộ, khoa học, kỹ thuật, quản lý phù hợp yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh đào tạo nghề nông cho nông dân; cung cấp kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Các cấp Hội tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các phong trào, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu; phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân, chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao….

Chủ tịch Hội nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son:

Nông dân phải lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu

8291b53e1189c4d79d98.jpg

Đến nay, lực lượng nông dân huyện Đan Phượng đã xây dựng 450 tuyến đường hoa; vẽ 11.165m2 tranh bích họa, trồng hơn 15.000m hoa và thảm cỏ, lắp thêm 5.000 giá cờ, quét vôi ve, sơn 58.766 m2 tường rào cũ, xây dựng được 6,7km đê kiểu mẫu/35km đê toàn huyện với diện tích 33.250m2, bảo đảm an toàn công tác phòng chống thiên tai và cảnh quan môi trường.

Trên địa bàn huyện, các ao môi trường, sân chơi, bãi tập được nhân dân đầu tư xã hội hóa, nhiều hộ dân hiến đất cùng hàng vạn ngày công để làm đường giao thông, trồng hoa làm đẹp cảnh quan xóm ngõ.... Nông dân thực sự là lực lượng chủ thể, nòng cốt của quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhiều năm qua.

Để xây dựng quê hương Đan Phượng xanh, sạch, đẹp hơn nữa, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tiếp tục đổi mới nội dung hình thức xây dựng và tổ chức hoạt động các phong trào thi đua yêu nước; thường xuyên đổi mới phong cách lãnh đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, dân chủ, khoa học, sát chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với pháp luật của Nhà nước…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thường Tín Bạch Văn Huân:

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

263a58f0fc4729197056.jpg

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Tín duy trì hoạt động 33 câu lạc bộ nông dân với pháp luật gồm 770 thành viên. Ngoài ra, các cấp Hội còn trang bị các tủ sách pháp luật với hơn 2.150 đầu sách, trong đó có 691 đầu sách pháp luật... Từ đó giúp cán bộ, hội viên, nông dân nắm bắt kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và nghĩa vụ của hội viên, nông dân… Mới đây là Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô triển khai đã được hội viên nông dân trên địa bàn đồng thuận cao.

Nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân thành phố và huyện cần đẩy mạnh bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; cần sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử mới như mạng xã hội, ứng dụng di động và trang web tuyên truyền pháp luật để tăng cường tính tương tác và tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội.

Các cấp Hội cần tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, nhất là trên không gian mạng về những vấn đề phức tạp phát sinh, bức xúc, cấp bách của tổ chức Hội.

Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sơn Tây Khuất Văn Sỹ:

Hoạt động Hội cần hướng về cơ sở

5abcdf407bf7aea9f7e6.jpg

Thị xã Sơn Tây xác định đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, hướng mạnh về cơ sở là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội định kỳ, Ban chấp hành Hội xã, phường xây dựng nhiều mô hình sinh hoạt, trong đó, có lồng ghép sinh hoạt với trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ nông dân có mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như: Các mô hình, dự án chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản ở xã Kim Sơn, phường Xuân Khanh, xã Thanh Mỹ; mô hình trồng rau, hoa, cây dược liệu tại phường Viên Sơn, xã Thanh Mỹ; mô hình chăn nuôi thủy sản, mô hình nuôi cá Koi của phường Xuân Khanh; chi tổ hội nghề nghiệp sản xuất đồ gỗ của Sơn Đông, Cổ Đông, Xuân Khanh...

Ban chấp hành Hội Nông dân thị xã tập trung hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chỉ đạo các cấp Hội xã, phường đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội theo hướng thiết thực, quan tâm đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của hội viên, nhất là những vấn đề mà hội viên đang cần hỗ trợ, giúp đỡ, tạo động lực để hội viên gắn bó với tổ chức Hội.

Hội viên Nông dân Việt Nam xuất sắc Tạ Đình Huy (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ):

Ý chí quyết tâm và niềm đam mê sáng tạo sẽ giúp nông dân khởi nghiệp thành công

ccd00280.jpg

Vì yêu nghề cơ khí và mong muốn giúp đỡ bà con nông dân, từ năm 2008, tôi đã nghiên cứu chế tạo ra những chiếc máy thô sơ đầu tiên phục vụ nông nghiệp. Tôi đã nhặt từng mảnh sắt, từng chiếc động cơ cũ bỏ đi để phục hồi, chế tác, cải tiến thành chiếc máy nông nghiệp đơn giản trong giai đoạn 2008-2013.

Sau đó, được sự động viên, khích lệ của Hội Nông dân từ cơ sở đến huyện, thành phố, tôi mạnh dạn tham gia các chương trình, cuộc thi và sản phẩm của tôi đã đạt giải Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc, Nhà khoa học của nhà nông và rất nhiều giải thưởng khác... Đến nay, tôi đã gây dựng được xưởng sản xuất cơ khí, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động chính và 30 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Từ thành công của bản thân, tôi tin tưởng rằng, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố nếu phát huy tinh thần tự lực tự cường, đam mê cháy bỏng, có tinh thần trách nhiệm cộng đồng, nhất định sẽ khởi nghiệp thành công, nhất là thế hệ nông dân mới là các thanh thiếu niên được học tập, đào tạo bài bản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường:

Hình thành thế hệ nông dân mới, giỏi liên kết chuỗi

dsc04463.jpg

Hiện nay, việc hỗ trợ xây dựng liên kết mới chỉ là sự khớp nối thông qua các sự kiện, mô hình và chương trình kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất và người tiêu thụ, chưa có sự hỗ trợ bài bản của quản lý nhà nước trong việc ký kết hợp đồng liên kết cũng như đầu tư kinh phí cho các điểm yếu trong liên kết chuỗi, nên tính bền vững chưa cao, dễ bị đổ gãy. Một số chính sách còn thiếu và vướng mắc để thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết. Một số địa phương chưa tập trung, quan tâm đến nhu cầu của người dân trong việc phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi…

Do đó trong nhiệm kỳ tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ địa phương, nông dân về tầm quan trọng của gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, Hội Nông dân các cấp để tăng cường kết nối giữa hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp. Từ đó, từng bước xây dựng, phát triển, hoàn thiện các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững trong nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm huyết, trách nhiệm đóng góp vào thành công Đại hội Đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ X

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.