(HNM) - Ngày 3-12, ông Haibatullah Akhundzada, Thủ lĩnh tối cao Taliban đã ban hành sắc lệnh đặc biệt về quyền phụ nữ ở Afghanistan. Theo đó, lãnh tụ Taliban thừa nhận không ai có thể sử dụng phụ nữ như là tài sản trong các thỏa thuận trao đổi, hay để dàn xếp các mối thù hằn, đồng thời nhấn mạnh việc kết hôn phải có sự đồng ý của phụ nữ. Động thái trên được dư luận quốc tế hoan nghênh, xem là tín hiệu tích cực, góp phần vào việc xây dựng hình ảnh ôn hòa mà Chính phủ Taliban tại Afghanistan đang theo đuổi.
Theo sắc lệnh mới, các góa phụ tại Afghanistan tuy chưa có quyền tự do quyết định tương lai của mình và tái hôn, nhưng giờ đây có quyền hưởng thừa kế một phần tài sản cố định của chồng, con, cha và họ hàng. Sắc lệnh cũng yêu cầu đẩy mạnh việc phổ biến, nâng cao nhận thức về các quyền của phụ nữ, qua đó giúp kiềm chế sự phân biệt, áp bức. Cùng với việc buộc tòa án trên khắp lãnh thổ Afghanistan giờ đây phải căn cứ quy định mới về quyền của phụ nữ khi ra phán quyết, chính quyền Taliban cam kết sẽ yêu cầu các cơ quan này xem xét và chấp nhận các khiếu nại liên quan tới quyền của phụ nữ cùng những vi phạm liên quan.
Sắc lệnh lần này đưa ra như một phần trong nỗ lực xây dựng hình ảnh ôn hòa, luôn chú trọng thúc đẩy quyền phụ nữ mà Chính phủ Taliban tại Afghanistan đang theo đuổi. Sau khi giành quyền kiểm soát đất nước vào giữa tháng 8-2021, lực lượng này tuyên bố sẽ không áp dụng các chính sách hà khắc như thời kỳ năm 1996-2001. Theo đó, chính phủ mới cho phép mở trường học dành cho nữ sinh tại một số tỉnh và đưa ra những thông điệp như khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội...
Nhìn từ góc độ chuyên môn, giới phân tích đánh giá sắc lệnh này là tín hiệu tích cực trong việc cải thiện quyền của phụ nữ tại Afghanistan. Tuy nhiên, các vấn đề nêu trong sắc lệnh còn hạn hẹp, rất nhiều chủ đề “nóng” chưa được ưu tiên điều chỉnh, nổi bật là quyền của phụ nữ được tiếp cận giáo dục, quyền được ra ngoài làm việc... Mặt khác, việc bãi bỏ các cơ chế nhằm duy trì quyền phụ nữ sẽ là rào cản lớn khi thực hiện sắc lệnh mới, khiến cho các quan điểm này khó đi vào đời sống thực tế. Kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã giải tán Bộ Phụ nữ, một cơ quan quan trọng trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ thông qua luật pháp. Cùng với đó, Luật Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ được ký kết vào năm 2009 cũng bị loại bỏ và tới nay chưa có phương án thay thế.
Hiện nay, Taliban chưa được quốc gia nào công nhận là chính phủ hợp pháp của Afghanistan. Do đó, việc thúc đẩy cải cách quyền phụ nữ được xem là cơ hội "ghi điểm" đối với cộng đồng quốc tế trong vấn đề tôn trọng các quyền cơ bản của người dân. Gần đây nhất, cuộc đối thoại cuối tháng 11-2021 giữa Ngoại trưởng Afghanistan do lực lượng Taliban bổ nhiệm Amir Khan Muttaqi và Đại biện phái bộ Anh về Afghanistan ở Doha (Qatar) Martin Longden cũng có một trọng tâm là việc đưa trẻ em gái trở lại trường học...
Đối với một chính phủ đang muốn duy trì quyền lực và chứng tỏ năng lực điều hành đất nước, sắc lệnh mới về quyền phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực tế, những cam kết của Taliban về quyền phụ nữ tới nay chưa mang tới nhiều kết quả, điển hình là việc chính phủ tạm quyền hiện nay chưa hề có đại diện nữ giới ở tất cả các vị trí cấp cao.
Trong bức tranh tổng thể đó, sắc lệnh mới về quyền phụ nữ mới là những "mảnh ghép" quý giá, nhưng dường như vẫn còn nhỏ bé. Do đó, muốn tạo được uy tín và niềm tin với cộng đồng quốc tế, chính quyền Taliban cần tạo ra những chuyển biến thực chất hơn về quyền phụ nữ. Đây cũng là cách để chính quyền Taliban xóa đi những định kiến rằng "mọi nỗ lực cải thiện quyền phụ nữ chỉ là một công cụ ứng phó cho những mong muốn trước mắt".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.