(HNM) - Dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhiều lần ra quân ngăn chặn, xử lý quyết liệt nhưng hoạt động khai thác cát trái phép dưới lòng sông vẫn diễn ra ở xã Phương Độ (Phúc Thọ).
Hành vi này không những gây mất trật tự an ninh khu vực, ruộng đất bị sạt lở mà cuộc sống của người dân nơi đây cũng đảo lộn... Với mức độ sạt lở bờ bãi Sông Hồng như hiện nay sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Ngày 18-9, phóng viên Báo Hànộimới cùng đoàn công tác của huyện Phúc Thọ vượt Sông Hồng có mặt tại bãi nổi xã Phương Độ xác định tọa độ mốc giới 364 đã không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng trước mắt. Trong khoảng hơn 1km bờ bãi thuộc địa bàn quản lý, liên tiếp xuất hiện các hõm sạt lở hình trăng khuyết dài hàng chục mét, lõm sâu vài mét dài nối tiếp nhau. Màu cát sẫm đen chứng tỏ, khu vực này mới chỉ vừa bị sạt lở đêm trước. Cách mép sông chừng 10m là tàu cuốc cát đang cắm gầu xuống dòng sông chờ thời gian thuận lợi để hoạt động, vây quanh là khoảng 10 chiếc tàu hàng đợi "ăn cát".
Hàng chục héc ta đất nông nghiệp của xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ bị sạt lở vì “cát tặc”. |
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Công an xã Phương Độ cho biết, hôm nay nước sông lên cao các tàu rút bớt đi nơi khác, chứ cách đây vài ngày trên địa bàn xã có 4-5 tàu cuốc và khoảng 40 tàu hàng đậu kín trên sông hoạt động 24/24h. "Cát tặc" hoành hành đã gây sạt lở đất, cuốn trôi hoa màu, gây mất an ninh trật tự, làm thay đổi dòng chảy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đê, kè trọng điểm trong phòng chống lụt bão của TP Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên về những vi phạm đang diễn ra trên địa bàn, lãnh đạo xã Phương Độ cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng chức năng huyện Phúc Thọ và xã Phương Độ thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác cát trên khu vực này. Tuy nhiên Công ty cổ phần Kevin và Công ty cổ phần TMS khoáng sản và vật liệu xây dựng Vĩnh Phúc đều có giấy phép hoạt động khai thác cát do tỉnh Vĩnh Phúc cấp. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý 2 tàu cuốc khai thác sai vị trí và xua đuổi các tàu khác ra khỏi khu vực xã Phương Độ.
Bất cập là khi lực lượng chức năng của huyện rút khỏi địa bàn, họ lại đưa tàu quay lại khai thác. Lực lượng an ninh xã tiếp cận xua đuổi nhưng không hiệu quả. Các chủ tàu không hợp tác và chống đối quyết liệt. Cụ thể, ngày 23-5-2015, khi chính quyền xã sang lập biên bản đã bị nhóm "cát tặc" huy động người ra cản trở và lớn tiếng thách thức cơ quan thực thi công vụ. Không dừng lại ở đó, đêm 17-9 vừa qua, lợi dụng trời mưa to nhóm "cát tặc" đã thuê khoảng 30 đối tượng kéo vào khu bãi nổi đạp đổ các mốc giới, phá hỏng hoa màu, đưa máy xúc, máy ủi vào đắp bờ lấn chiếm hàng chục héc ta đất canh tác của nhân dân xã Phương Độ. "Nếu cứ đà khai thác cát như hiện này thì sớm muộn 62ha đất nông nghiệp của xã sẽ bị lấn chiếm và nhấn chìm xuống lòng sông" - một người dân xã Phương Độ lo lắng cho biết.
Theo ông Đặng Văn Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ, căn cứ vào Bản đồ địa giới hành chính Chính phủ lập năm 1991 và thực tế dòng chảy hiện nay thì toàn bộ dòng chảy Sông Hồng và một phần bãi bồi khu vực xã Phương Độ thuộc địa giới hành chính huyện Phúc Thọ. Kết quả này cũng đã được đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội đối chiếu, rà soát, đo đạc lại mốc giới bằng máy định vị ngày 3-2-2015 xác nhận: "Về cơ bản dòng chảy hiện nay trên Sông Hồng là thuộc địa giới hành chính huyện Phúc Thọ...". "Kết luận đã rõ ràng như vậy, không hiểu vì lý do gì cuối tháng 4-2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp phép cho các công ty này hoạt động khai thác cát chồng lấn sang địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ từ 100 đến 200m (khoảng 10,3ha), gây bức xúc dư luận nhân dân!?" - ông Nghĩa cho biết.
Tại hội nghị bàn giải pháp phòng chống "cát tặc" vừa diễn ra, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú kiến nghị Công an thành phố cần sớm lập chuyên án để kiên quyết xử lý. Những trường hợp cố tình vi phạm đề nghị tịch thu phương tiện, thậm chí có thể truy tố trước pháp luật. Đồng thời, kiến nghị UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi giấy phép khai thác cát của các công ty này và không cấp phép mới. Có như vậy mới hạn chế được "cát tặc" lộng hành và bảo đảm an toàn công trình đê điều và hành lang thoát lũ Sông Hồng.
Theo Trung tá Hoàng Ngọc Cương, Phó Trưởng Công an huyện Phúc Thọ, từ đầu năm 2015 đến nay, Công an huyện đã mở nhiều đợt truy quét, bắt được 7 trường hợp hút cát trộm, xử phạt hơn 228 triệu đồng. Đặc biệt, cuối năm 2014, Bộ Công an đã lập chuyên án, điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ bất ngờ tấn công "cát tặc" trên khúc Sông Hồng đoạn chảy qua Phúc Thọ; bắt giữ 51 tàu cùng 30 đối tượng và nhiều sổ sách liên quan đến khai thác cát; trong đó, cơ quan điều tra ước tính mỗi ngày bọn "cát tặc" khai thác 2.000m3 cát dưới đáy Sông Hồng, trị giá khoảng 1 tỷ đồng... Xét tính chất nghiêm trọng của sự việc, Bộ Công an đã ra tống đạt quyết định khởi tố 6 bị can. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.