(HNM) - Vào giờ này năm ngoái, bóng đá Việt Nam như lên cơn sốt với những bản hợp đồng tài trợ cho V.League cũng như giải hạng Nhất. Từ hợp đồng tài trợ của Eximbank cho đến chuyện 10 nhà bảo trợ bỏ ra tổng cộng 50 tỷ đồng hỗ trợ cho giải để đổi lấy việc quảng cáo trong chương trình truyền hình các trận đấu thuộc V.League. Tuy nhiên, ở mùa giải 2013, tình thế đã khác.
Bên cạnh việc tài trợ cho V-League, Ngân hàng Eximbank sẽ là đơn vị đồng hành cùng giải hạng Nhất, Cúp quốc gia 2013. |
Trông vào "người nhà"…
Đến giờ, danh sách nhà bảo trợ bóng đá Việt Nam ở mùa bóng 2013 mới có Đồng Tâm Long An và Hoàng Anh Gia Lai. Ông chủ hai doanh nghiệp này đều có tiếng nói quan trọng ở Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và đều "máu" bóng đá. Ngoài họ, Eximbank tiếp tục đảm nhận vai trò tài trợ chính cho V.League, đồng thời "ôm" luôn giải hạng Nhất và Cúp quốc gia. Thời buổi kinh tế khó khăn, khi bóng đá không còn là miền đất hứa đối với doanh nghiệp để phát triển thương hiệu, việc Eximbank gánh vác phần việc khó cho VPF là điều đáng ghi nhận. Nhờ vậy, giải thưởng cho chức vô địch V.League, giải hạng Nhất, Cúp quốc gia đã tăng lên. Thậm chí, các đội phải thi đấu sân khách còn được hỗ trợ 30 triệu đồng/trận - điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Lãnh đạo Eximbank có chân trong VPF, nhà bảo trợ cũng vậy, như đã nói ở trên. Đó đều là những người đã có mặt trên con tàu bóng đá ngay sát thời điểm gặp sóng dữ, cùng cổ súy quan điểm đổi mới cách quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam. Bây giờ, trước sóng cả, có lẽ sự tự trọng không cho phép các "thuyền trưởng" bỏ tàu.
Nhưng, liệu sự cố gắng của một vài doanh nghiệp có thể tạo nền vững chãi cho bóng đá Việt Nam tiếp tục vận hành ở mức "xem được", ít nhất là trong khoảng thời gian chờ đợi nền kinh tế khởi sắc trở lại?
Giọt nước trên sa mạc?
Ngay từ khi nền kinh tế có dấu hiệu khó khăn, nhiều người đã dự báo tương lai bất ổn của các đội bóng ở Việt Nam. Dự báo mà hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt khi bản thân các đội bóng chưa thể tự nuôi mình, mà gần như phụ thuộc hoàn toàn vào "bầu sữa" doanh nghiệp.
Mùa bóng trước, khó khăn chưa tìm đến các đội bóng, một phần vì có sự ra đời của VPF với những tuyên bố "chi tiền không tiếc tay". Khả năng kiếm tiền, kêu gọi tài trợ cũng như mối quan hệ của những người có trách nhiệm ở VPF đã giúp V.League và giải hạng Nhất có giá hơn, đồng nghĩa với dòng tiền chảy vào CLB chưa bị ngưng lại. Sau khi giành được bản quyền truyền hình bóng đá trong nước, những người có trách nhiệm ở VPF đã tập hợp được 10 nhà bảo trợ. Mỗi nhà bảo trợ bỏ ra 5 tỷ đồng, đổi lấy quyền quảng cáo trong các buổi truyền hình trận đấu trong khuôn khổ V.League. Nguồn tiền rủng rỉnh trong "túi" VPF khiến người ta tin rằng các giải đấu bóng đá Việt Nam có được nền tài chính vững chãi.
Nhưng gió đã đột ngột đổi chiều sau những biến động ở thượng tầng VPF, và nhất là khi nền kinh tế chìm trong khó khăn. Các ông chủ của vài CLB bắt đầu đánh tiếng rời bỏ đội bóng, nhiều CLB đứng trước nguy cơ giải thể, số CLB nợ lương, thưởng cầu thủ bắt đầu tăng lên. Nhiều cầu thủ không tìm được CLB, ngay cả một số cầu thủ giỏi cũng lâm vào tình trạng… "thất nghiệp lâm sàng".
Một nền bóng đá mạnh cần có nhiều CLB khỏe khoắn và phát triển ổn định, cần hệ thống thi đấu rõ tính chuyên nghiệp, cần tổ chức điều hành chắc tay và nguồn thu đều đặn. Khi "bầu sữa" nuôi các CLB trở nên phập phù, đầy đặn đấy mà cũng có thể "tạnh" ngay, không thể xác định chắc chắn, liệu những cố gắng từ số ít có đủ cho bao điều cần?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.