Y tế

“Tái sinh” bàn tay cho bé gái mắc chứng thiểu sản xương quay cánh tay phải

Thu Trang 14/10/2024 - 18:39

Bé gái này là một trong 120 bệnh nhi may mắn được khám, điều trị dị tật bẩm sinh và bệnh lý cơ xương khớp tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Chiều 14-10, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chương trình khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ dưới 16 tuổi mắc các dị tật bẩm sinh và bệnh lý cơ xương khớp diễn ra từ ngày 13 đến 22-10, có 120 bệnh nhi được khám, điều trị.

Chương trình này có sự tham gia của đoàn chuyên gia quốc tế gồm 6 bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực chỉnh hình nhi đến từ Tây Ban Nha, Mỹ và Trung Quốc. Các chuyên gia đã tham gia tư vấn, hội chẩn và phẫu thuật các ca bệnh khó.

Đây là nội dung trong kế hoạch hợp tác quốc tế thường niên của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, đồng thời tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới.

be-gai-duoc-kham-boi-cac-chuyen-gia-hang-dau-the-gioi.jpg
Bé gái 4 tuổi ở Bắc Giang được các chuyên gia hàng đầu thế giới khám dị tật bàn tay phải vào ngày 14-10 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Thu Trang

Đưa con gái 4 tuổi đến khám, chị B.B.N (ở Bắc Giang) cho biết, từ khi sinh ra, con gái chị đã bị dị tật bẩm sinh, mắc chứng thiểu sản xương quay cánh tay phải. Dị tật này khiến ngón tay cái của bé teo lại chỉ còn dính với bàn tay như một cục thịt nhỏ, hoàn toàn không có chức năng hay cử động. Không chỉ vậy, dị tật còn khiến bàn tay phải của bé không duỗi thẳng ra được.

“Thấy con sinh ra không được lành lặn như bao đứa trẻ khác, vợ chồng tôi rất xót xa. Chúng tôi đã tìm hiểu rất nhiều cơ sở y tế để chữa trị cho con. Cách đây hơn 1 năm, khi được người quen giới thiệu, tôi đã đưa con đến chương trình khám và phẫu thuật dị tật và bệnh lý cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn”, chị B.B.N tâm sự.

Đến nay, bé gái 4 tuổi này đã trải qua 3 lần phẫu thuật. Lần đầu tiên là cắt bỏ phần thịt hoại tử, giữ lại 4 ngón tay của bàn tay phải. Sau đó, bé tiếp tục trải qua lần phẫu thuật chuyển ngón tay trỏ thành ngón tay cái. Ở lần phẫu thuật thứ 3, bé được chỉnh hình bàn tay bằng nẹp, giúp nắn chỉnh cổ tay thẳng ra.

“Khi thấy bàn tay phải của con đã có thể cầm nắm, vận động được khoảng 80%, vợ chồng chúng tôi như vỡ òa trong hạnh phúc. Hiện, cứ 2-3 tháng, cháu lại đến bệnh viện để tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ”, chị B.B.N nói.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình chi trên và chi dưới (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), việc điều trị các dị tật bẩm sinh vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là khi nhiều trẻ em đến bệnh viện trong tình trạng dị tật đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và cuộc sống.

Chương trình khám và phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho trẻ được triển khai thường niên tại bệnh viện là cơ hội để bệnh viện cập nhật những kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất trong lĩnh vực chỉnh hình nhi. Đặc biệt, việc hội chẩn và phẫu thuật các ca bệnh phức tạp cùng đoàn chuyên gia quốc tế sẽ giúp các bác sĩ trong nước có cơ hội học hỏi và áp dụng những kiến thức chuyên sâu vào thực tiễn điều trị tại Việt Nam.

“Việc điều trị các dị tật như liệt đám rối thần kinh cánh tay, các biến dạng chi trên và các dị tật cơ xương khớp khác không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn yêu cầu sự tỉ mỉ và am hiểu sâu về giải phẫu. Chúng tôi rất vinh dự khi được hợp tác với những chuyên gia hàng đầu trên thế giới như Tiến sĩ, bác sĩ Franciso Soldado và các cộng sự. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các bệnh nhi mà còn giúp đội ngũ bác sĩ của bệnh viện nâng cao tay nghề”, bác sĩ Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tái sinh” bàn tay cho bé gái mắc chứng thiểu sản xương quay cánh tay phải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.