Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại sao người tiêu dùng không sử dụng quyền tẩy chay?

Nguyên An| 09/02/2015 05:50

(HNM) - Ít ngày trước, kiểm tra tình hình bảo đảm an ninh trật tự và vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tại một số bến xe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, sau khi đề nghị bến xe miền Đông, bến xe miền Nam công khai danh sách doanh nghiệp đã giảm giá cước và doanh nghiệp chưa giảm giá cước, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng chỉ đạo: Cần thiết thì vận động, kêu gọi hành khách tẩy chay những doanh nghiệp không giảm giá cước. Nói cho người dân biết nếu đi những xe này sẽ bị móc túi bao nhiêu tiền. Giá xăng dầu giảm rất nhiều mà một số doanh nghiệp cố tình chây ì không chịu giảm.


"Nguồn cơn" cũng như hoàn cảnh buộc Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra chỉ đạo nêu trên là liên tục trong thời gian qua, giá xăng dầu - chi phí đầu vào, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành vận tải - liên tục giảm, với mức giảm hiện đã vượt quá 30% giá bán ở thời điểm cao nhất. Trái ngược với việc xăng tăng giá vài trăm đồng thì lập tức doanh nghiệp vận tải, từ vận tải hành khách, taxi đến chuyên chở hàng hóa, lập tức "té nước theo mưa", ồ ạt tăng giá, nay giá xăng dầu giảm sâu song hàng loạt doanh nghiệp "án binh bất động" (trước yêu cầu giảm giá). Sau khi các cơ quan chức năng, từ ngành tài chính, công thương, giao thông - vận tải và các chính quyền địa phương vào cuộc, dư luận lên tiếng, các hãng vận tải mới chịu giảm giá. Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả giảm giá cước do đoàn kiểm tra liên ngành công bố, tỷ lệ doanh nghiệp đã giảm giá cước không nhiều, mức giảm cũng không tương xứng (với mức giảm giá nguyên liệu đầu vào).

Chưa bàn đến tính phù hợp của phát biểu trên song việc người đứng đầu ngành giao thông - vận tải kêu gọi tẩy chay doanh nghiệp không "chịu" giảm giá cước một mặt gián tiếp cho thấy sự bất lực của cơ quan quản lý trong công tác điều hành giá, mặt khác lại "nhắc" người tiêu dùng về quyền lực rất lớn của họ: Quyền tẩy chay hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc không phù hợp về giá cả, hình thức cung cấp.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng (người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức) được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và khi cần thiết, người tiêu dùng được phép yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; thậm chí, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan…

Dẫn ra như vậy để thấy người tiêu dùng có "quyền hạn" rất lớn cũng như có ảnh hưởng quan trọng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trên thực tế, người tiêu dùng là một bên hình thành quan hệ cung - cầu trên thị trường; đồng thời là nhân tố có "sức nặng" đối với hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong đó có việc doanh nghiệp xác định giá hàng hóa, dịch vụ. "Tẩy chay" là một cách nói, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng "nói không" với hàng hóa, dịch vụ nào đó. Quyền tẩy chay của người tiêu dùng được thừa nhận và bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, gần như không có một cuộc tẩy chay lớn, chính thức hoặc đúng nghĩa nào từ phía người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc có giá thành, cung cách phục vụ không phù hợp ngoại trừ "chiến dịch" tẩy chay bột ngọt Vedan (do Công ty Vedan trong quá trình sản xuất đã không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải, triệt nguồn sinh kế của hàng nghìn hộ nông dân). Giá cả bất hợp lý (cụ thể ở đây là giá cước vận tải) chỉ là một vấn đề, còn hàng loạt vấn đề khác như chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nguồn gốc, xuất xứ, cách thức cung ứng... Gần đây, một loạt siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội bày bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng được các phương tiện truyền thông đại chúng "vạch mặt, chỉ tên" song dù vậy, chính các siêu thị này - xét theo cảm quan - dường như không hề suy suyển lượng khách hàng tìm đến.

Tại sao người tiêu dùng không tẩy chay khi quyền lợi của mình bị xâm hại?

Thực tế này có nhiều lý do. Thứ nhất, nguyên nhân trước hết ở căn tính. Người Việt vốn dĩ xuê xoa, tư duy "chín bỏ làm mười" rất phổ biến và nếp nghĩ này đang ăn sâu trong thói quen tiêu dùng. Cách xử sự thường thấy của người tiêu dùng khi mua phải một chai bia bị hở nắp, một chai nước ngọt có "vật thể lạ" hay một hộp sữa đã lên men… là tặc lưỡi rồi vứt bỏ. Rất hiếm khi người tiêu dùng đặt ra nghi vấn: "Sự cố" này chỉ mang tính cá biệt chứ không phải xảy ra với cả một lô sản phẩm - dĩ nhiên sẽ liên quan hàng trăm, hàng nghìn người tiêu dùng và như vậy hàng trăm, hàng nghìn người tiêu dùng đã bị thiệt hại lớn như thế nào (?). Trở lại với dịch vụ vận tải, từ vận tải khách, hàng hóa tuyến cố định đến taxi, chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng có thể cho ra kết quả làm rõ sự vô lý giữa mức giá cước trước thời điểm tháng 7-2014 (thời điểm giá xăng dầu bắt đầu liên tục được điều chỉnh giảm đến nay) với thời điểm hiện tại: Giá xăng dầu giảm hơn 30% trong khi giá cước vận tải không giảm hoặc giảm không đáng kể (ở một số doanh nghiệp). Thiệt hại của một khách hàng, một doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải có thể không lớn song ở góc độ toàn xã hội, thiệt hại của đối tượng là người tiêu dùng vô cùng lớn; ở chiều ngược lại, khối doanh nghiệp vận tải hưởng lợi từ việc giá xăng dầu giảm tương đối sâu vô cùng lớn. Đây chính là sự không công bằng đang xảy ra trên thị trường.

Nguyên nhân thứ hai là ngoại trừ các chuyên gia pháp lý, cơ quan quản lý chuyên ngành, rất ít người tiêu dùng ý thức được "quyền hạn" của mình. Quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ được pháp luật bảo hộ mà việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội; đồng thời, việc bảo vệ phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Đối với một loại hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm yêu cầu, người tiêu dùng có quyền tẩy chay một cách có tổ chức - miễn là việc tẩy chay xuất phát từ quyền lợi chính đáng chứ không phải đòi hỏi vô lối. Thậm chí, nếu có tranh chấp phát sinh, người tiêu dùng có quyền đòi bồi thường, nếu không được thì người tiêu dùng có quyền khởi kiện. Ở nhiều nước, không hiếm doanh nghiệp buộc phải chi trả một khoản rất lớn bồi thường khách hàng chỉ bởi cung cấp một lô nhỏ sản phẩm không đạt chuẩn. Việc người tiêu dùng không ý thức đầy đủ về quyền của mình có "lỗi" ở công tác tuyên truyền. Cũng chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về quyền của người tiêu dùng không chỉ là yêu cầu được đặt ra với riêng người tiêu dùng mà với cả cơ quan quản lý cũng như tổ chức đại diện quyền người tiêu dùng.

Tuy vậy, một nguyên nhân khác còn nằm ở chính thực tế thị trường: Trong khi các doanh nghiệp vận tải dường như đã ngầm "bắt tay nhau" không chịu giảm giá cước thì người tiêu dùng nếu tẩy chay sẽ phải lựa chọn doanh nghiệp nào? Các doanh nghiệp đã giảm giá cước, dù chưa tương xứng với mức giảm giá xăng dầu, là một lựa chọn, song nhóm này chiếm tỷ lệ không áp đảo so với số còn lại. Điều này không dễ gì được giải quyết, nhưng nếu có một "chiến dịch" tẩy chay, đây cũng là một áp lực đối với những doanh nghiệp chây ì. Đồng thời, nếu như số đông người tiêu dùng - chấp nhận những bất tiện ngắn hạn - đồng loạt tẩy chay thì đây vừa là một cơ sở vừa là một sức ép để cơ quan quản lý vào cuộc mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp đó, hẳn người đứng đầu ngành giao thông - vận tải... không đến nỗi phải có phát biểu như trên.

Kêu gọi tẩy chay doanh nghiệp vận tải chây ì không giảm giá cước của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng có phù hợp với vai trò là người đại diện cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực này hay không? Có rất nhiều bàn luận xoay quanh vấn đề này. Doanh nghiệp được quyền cung cấp và tự xác định hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp theo quy định pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như những hậu quả khác (về kết quả kinh doanh) do quyết định của mình. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát, điều chỉnh và xử lý nếu phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, chính phát biểu của người đứng đầu ngành giao thông - vận tải một lần nữa "nhắc" người tiêu dùng về quyền lợi chính đáng của họ - một bên trong quan hệ cung - cầu. Trên thực tế, sự bất hợp lý về giá không chỉ diễn ra ở lĩnh vực vận tải. Giá xăng dầu liên quan hàng loạt lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác; giá xăng dầu giảm đồng nghĩa với việc giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác phải tự điều chỉnh, song điều này không diễn ra như đáng lý phải thế. Sự bất hợp lý về giá còn diễn ra ở nhiều mặt hàng như sữa, thực phẩm… Bên cạnh đó, hàng loạt sự cố gần đây như siêu thị, đại siêu thị bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; doanh nghiệp cung ứng hàng hóa không bảo đảm chất lượng… cho thấy nếu người tiêu dùng không tự ý thức về quyền của mình thì đương nhiên sẽ tiếp tục chịu thiệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tại sao người tiêu dùng không sử dụng quyền tẩy chay?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.