Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại sao Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất?

Hương Thủy| 15/07/2022 14:31

(HNMO) - Tại sao Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất? Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" do Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS)  tổ chức ngày 15-7.

Lạm phát tại Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy

Tại hội thảo, vấn đề được đặt ra là trong bối cảnh lạm phát, thời gian qua nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa tăng. 

Trả lời câu hỏi trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, lạm phát tại Việt Nam tăng chủ yếu do yếu tố giá cả (chi phí đẩy) hơn là yếu tố tiền tệ (cung tiền và vòng quay tiền). Trong khi đó, tăng lãi suất chỉ có tác dụng nhiều khi lạm phát do yếu tố tiền tệ. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế. Bên cạnh đó, chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất, nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này.

Phân tích thêm, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, 3 năm qua chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam không hoàn toàn cùng nhịp với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt. Chẳng hạn, năm 2020 Việt Nam là ngôi sao dù kinh tế tăng trưởng 2,91% vì kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Khi kinh tế thế giới tăng mạnh 6,1% năm 2021 thì Việt Nam lại tăng trưởng thấp. 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam lại phục hồi tốt khi kinh tế thế giới kém đi. “Chính những điểm khác biệt này khiến Việt Nam không thể điều hành lãi suất như thế giới”, vị chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên việc điều hành liên quan đến vấn đề này rất quan trọng, đòi hỏi phải thận trọng. Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, đây là vấn đề Việt Nam cần phải quan sát kỹ vì Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu.

Liên quan đến lạm phát, số liệu cho thấy, tuy tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6-2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12-2021, đều là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012, nhưng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng CPI vẫn được kiểm soát ở mức 2,44%.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, lạm phát tại Việt Nam có một số đặc điểm như: Có độ trễ hơn so với quốc tế; lạm phát cơ bản tăng thấp, ở mức 1,25%; chủ yếu do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. Ba nhóm làm tăng lạm phát chính là: Giao thông, vật liệu xây dựng, dịch vụ hàng ăn uống. Trong đó, yếu tố tác động vào lạm phát nhiều nhất và nhanh nhất là giao thông, do giá xăng dầu tăng.

Có một số nguyên nhân khiến lạm phát Việt Nam thấp hơn so với thế giới là: Giá xăng được hỗ trợ bình ổn tương đối nhanh; bảo đảm nguồn cung hàng hóa; một số mặt hàng được điều tiết tương đối mạnh; Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt công cụ chính sách; cung tiền vừa phải, vòng quay tiền chậm.

Nên đầu tư chứng khoán dài hạn

Các chuyên gia đều nhìn nhận, mặc dù lạm phát nửa đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, nhưng dư địa không còn nhiều, bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.

Theo các chuyên gia, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế ở mức cao, và tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm hơn một nửa.

Bên cạnh đó, đại dịch và khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, vật liệu thế giới tăng cao, kéo giá nguyên, vật liệu trong nước tăng theo, tạo áp lực lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, qua đó tạo áp lực lên lạm phát. Đồng thời, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới… Các chuyên gia tin tưởng và kỳ vọng Việt Nam sẽ kiểm soát tốt lạm phát trong năm 2022.

Với thị trường chứng khoán, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết, thời gian qua, thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, nguyên nhân do điều chỉnh theo thị trường thế giới, đầu cơ, tâm lý đám đông.

Về cơ hội đối với thị trường này, theo chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tình hình kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 rất tích cực. Các chỉ số cân đối lớn (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) cơ bản về trạng thái trước dịch Covid-19. Các dự báo gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 6-7% là khả thi. Kinh tế phục hồi sẽ giúp thị trường chứng khoán tốt lên.

Đặc biệt, việc chu kỳ T+2 (khoảng thời gian 2 ngày làm việc để thực hiện giao dịch và thanh toán chứng khoán) được triển khai sẽ giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp niêm yết phục hồi khá cũng là cơ hội đối với thị trường chứng khoán.

Ông Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên, để có lợi nhuận, nên đầu tư dài hơi hơn. Thống kê mà vị chuyên gia này đưa ra cho thấy, giữa các kênh đầu tư như: Cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng và USD, đối với đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư đầu tư 5 năm thì lợi nhuận bình quân là 19,2%/năm; đầu tư 10 năm, lợi nhuận là 15,8%/năm, cao hơn lợi nhuận các kênh còn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại sao Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.