Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tài nguyên tri thức không bao giờ cạn

Thế Dũng| 22/10/2010 07:39

(HNM) - Một trong những hoạt động khoa học nổi bật của Hà Nội giai đoạn 2006-2010 là hoàn thành chương trình khoa học cấp Nhà nước


Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế (Phó Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội) về một đề tài nhánh trong Chương trình KX09 là sử dụng, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong tình hình hiện nay.

- Thưa PGS Nguyễn Hải Kế, ông có thể cho biết chính sách tuyển chọn và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội từ xưa có đặc điểm gì nổi bật?


Hằng năm, thành phố tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc, tôn vinh truyền thống hiếu học, đồng thời khẳng định việc sử dụng và thu hút người tài. Ảnh: Viết Thành

Tôi cho rằng, đặc điểm lớn nhất của việc trọng dụng nhân tài ở Thăng Long xưa chính là việc người tài luôn gắn với truyền thống "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", sớm thức tỉnh, giác ngộ, chủ động gắn bó, cống hiến vô tư cho sự nghiệp xây dựng đất nước chứ không chờ đến khi được vời mới xuất hiện. Lịch sử đã chứng minh điều này, cụ thể là các cụ Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi đã lặn lội từ Đông Quan (tên thành Thăng Long thời kỳ bị giặc Minh xâm lược 1407-1427 - PV) vào Lam Sơn để phò tá Lê Lợi... Một đặc điểm nữa cũng cần lưu ý, đó là các cấp hành chính thời phong kiến cũng đều xây dựng những quy ước để trọng dụng người hiền tài. Tuy nhiên, lịch sử cũng vướng ở vấn đề "nói thì dễ mà làm lại khó". Tài nguyên thiên nhiên có thể cạn nhưng những người trí thức được xếp vào giới tinh hoa của đất nước luôn là "mỏ khoáng" không bao giờ hết "quặng".

- Hà Nội là nơi tập hợp đội ngũ trí thức khoa học đông đảo nhất cả nước, làm gì để phát huy nguồn chất xám này?


- Tôi cho rằng, xây dựng được môi trường học thuật thật sự dân chủ là điều kiện cần thiết, vì đặc điểm quan trọng nhất của trí thức là sự nhập thân của họ vào sự nghiệp của dân tộc phải được tôn trọng, lắng nghe. Sử dụng, trọng dụng trí thức đối với Hà Nội cần bắt đầu ở sự tin tưởng và lắng nghe những ý kiến phản biện của họ. Theo đó, mỗi chủ trương, quyết sách của lãnh đạo thành phố nên được trao đổi với đông đảo nhân dân, trước hết là giới khoa học. Theo tôi nghĩ, đây là điều kiện cần thiết trong thời điểm hiện nay.

- Điều kiện "cần" là nhà quản lý phải biết lắng nghe nhưng điều kiện "đủ" để trí thức có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho Thủ đô và đất nước phải chăng chính là việc trí thức cũng phải biết tự khẳng định mình?

- Một thời gian, các nhà trí thức chịu ảnh hưởng của truyền thống Nho học nên có biểu hiện "ẩn mình". Điều quan trọng là người lãnh đạo phải biết "dụng nhân như dụng mộc" thông qua các chính sách chiêu hiền đãi sĩ. Lịch sử nhiều lần chứng kiến các bậc lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ đã viết thư cầu hiền. Những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi được nhiều nhân sĩ người Việt ở nước ngoài trở về phụng sự Tổ quốc.

Tôi cho rằng, trong thời kỳ mới hiện nay, nhà khoa học rất cần biết gieo mình vào thực tiễn sôi động của xã hội. Việc góp ý với danh nghĩa nhà khoa học cũng phải đi đến tận cùng, dám chịu trách nhiệm với phát ngôn, hành động của mình, có chính kiến chứ không thể đặt mình theo "hội chứng đám đông". Nhà khoa học dấn thân vào cuộc sống không có nghĩa là vỗ ngực tự khen mình, mà cần phải biết đâu là chuyên môn mình có thế mạnh.

- Thưa PGS, là một người dạy và nghiên cứu về lịch sử, ông có cho rằng sự phát triển của các ngành KHXH&NV hiện nay yếu thế hơn so với các giai đoạn trước, đặc biệt là ở đội ngũ kế cận?


- Nếu ai đó nhận định như trên có lẽ họ quên mất biện chứng của vận động tự nhiên là thế hệ sau luôn muốn vượt qua thế hệ trước. Thế hệ cha anh chúng ta đã phải gồng mình lên trong khó khăn để tìm hướng đi. Nhưng nay thì điều kiện phát triển học thuật đã khác và tôi kỳ vọng vào thế hệ học trò của tôi. Sự nhìn nhận có phần cảm tính về thế hệ trẻ có lẽ bắt nguồn từ nguyên nhân những người cùng trang lứa khó quy phục nhau trong khi môi trường khoa học các giai đoạn trước không gặp, ít gặp hiện tượng này. Ngoài ra, như đã nói ở trên, sự thiếu liên kết ngành, lĩnh vực giữa các nhà khoa học, không chỉ trong ngành KHXH&NV gặp phải, chính là vấn đề của mọi vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay. Phải chăng, đó là sự "yếu thế" như bạn đề cập.

- Xin cảm ơn PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên tri thức không bao giờ cạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.