Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng do khí hậu khắc nghiệt, xung đột vũ trang, giá lương thực cao và suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 ước tính tác động đến khoảng 60 triệu người dân khu vực Sừng châu Phi.
Liên hợp quốc ước tính, khoảng 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở vùng lõi của vùng Sừng châu Phi phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính trong năm 2023. Tính trên toàn bộ khu vực, con số này lên đến 10,4 triệu trường hợp. Số liệu đáng báo động này cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở trẻ em vùng Sừng châu Phi đã ở mức độ cao nhất kể từ năm 2020.
Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tác động đến khoảng 60 triệu người dân vùng Sừng châu Phi, bao gồm hơn 15 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 5,6 triệu trẻ em gái vị thành niên và gần 1,1 triệu phụ nữ mang thai. Gần 360.000 người dự kiến sẽ sinh con trong 3 tháng tới, theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).
Dominique Ferretti, một quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, mưa xuất hiện trở lại sau gần 3 năm hạn hán dẫn đến những trận lũ quét tàn khốc, gây ngập nhà cửa và đất canh tác, cuốn trôi gia súc, buộc nhiều trường học và cơ sở y tế phải đóng cửa.
Tình trạng kể trên cũng khiến số vụ bùng phát dịch bệnh tại Sừng châu Phi được ghi nhận ở mức cao nhất cho đến nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tần suất bùng phát dịch bệnh có mối liên hệ trực tiếp đến khí hậu khắc nghiệt, với các đợt bùng phát dịch tả và sởi đang xảy ra. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) lưu ý, những lo ngại về khí hậu là vấn đề then chốt đối với an ninh lương thực tại Sừng châu Phi trong những tháng tới.
Các dự báo toàn cầu cho thấy, hiện tượng khí hậu cực đoan El Nino đã xuất hiện và sẽ tăng cường trong phần còn lại của năm 2023, có thể mang lại lượng mưa trên mức trung bình trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12 tại khu vực phía Đông của Sừng châu Phi. Tuy nhiên, El Nino cũng có thể giảm phần nào nguy cơ lũ lụt ở những khu vực nguy cơ cao như Nam Sudan. Ở góc độ rủi ro, lượng mưa dưới trung bình, hạn hán và những yếu tố khác gây mất an ninh lương thực có thể sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
FAO nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi từ một hệ thống chủ yếu tập trung ứng phó khẩn cấp sang dự đoán và giảm thiểu khủng hoảng thông qua các phướng pháp như thu hoạch nước mưa, bảo tồn đất và nước, trồng các loại cây chịu hạn tốt hơn và bảo đảm nguồn trữ hạt giống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.