(HNM) - Những ngày hè, thời tiết nắng nóng, trẻ em thường rủ nhau tắm ở hồ bơi, sông, ao, hồ. Do thiếu các kỹ năng, lại không lường hết được những mối nguy hiểm, các em rất dễ bị đuối nước. Trong bối cảnh tình hình trẻ tử vong do đuối nước ở nước ta còn ở mức cao, việc xây dựng các chương trình, đưa ra các giải
Hiểm họa luôn rình rập
Mặc dù sự việc xảy ra đã gần 3 năm nhưng đến bây giờ em Ngô Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 8B Trường THCS Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội vẫn không thể nào quên được hình ảnh 6 người bạn gái của mình tử vong do đuối nước. Hôm ấy, vào khoảng 12h ngày 2-9-2011, Quỳnh đến nhà người bạn tên Yến dự sinh nhật. Sau buổi liên hoan, Quỳnh cùng các bạn rủ nhau ra bờ sông tắm, rồi gặp tai nạn. "Ngồi trên bờ, cháu thấy các bạn ấy cứ chìm dần… Khoảng một tiếng sau, các cô, các bác trong làng đã vớt được các bạn lên nhưng thật đau buồn cả 6 bạn đều đã tắt thở. Các bạn đột ngột ra đi để lại bố mẹ, anh chị em, bạn bè, dân làng nỗi kinh hoàng và sự xót thương vô cùng", Quỳnh xót xa.
Dạy trẻ tập bơi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Sơn Hà |
Theo Bộ LĐ,TB&XH, đuối nước hiện đã giảm so với năm 2010, song vẫn còn cao, đặc biệt là vào dịp hè. Nước ta có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Năm 2012, cả nước có hơn 3.300 trẻ em và vị thành niên bị tử vong do đuối nước, trung bình mỗi ngày có khoảng 9 trẻ em và vị thành niên bị tử vong do đuối nước. Hơn 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Nhiều vụ trẻ tử vong do đuối nước rất thương tâm như vụ: 4 cháu nhỏ ở làng Phú Đô, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bị cướp đi mạng sống vì tắm ở "ao nước" thuộc một công trường đang thi công, không có người cảnh giới, không cắm biển cảnh báo nguy hiểm; 8 học sinh Trường THCS An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội thiệt mạng khi tắm ở hồ Tuy Lai; 2 học sinh Trường Tiểu học Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội rủ nhau đi câu cá đã tử vong ngay tại vũng nước lớn của công trình xây dựng gần nhà…
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ đuối nước là do sự bất cẩn, xao nhãng của người lớn và do các em thiếu kiến thức, kỹ năng bơi lội. Mặt khác, nhận thức của cộng đồng về tai nạn đuối nước ở trẻ em còn rất hạn chế. "Chúng ta cần gióng lên những hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước trẻ em, cảnh tỉnh các bậc phụ huynh phải quan tâm, trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; nhắc nhở con em mình cẩn thận khi ra khu vực ao, hồ; đặc biệt, nhắc nhở các em không nên tắm tại các ao, hồ, sông ngòi khi không có người lớn đi cùng" - ông Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Giải pháp nào hiệu quả
Trẻ em đuối nước có thể xảy ra ngay tại môi trường gần nhà, trong nhà trường hoặc ở nơi công cộng. Để hạn chế tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2158/QĐ-TTg về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015. Theo đó đến năm 2015 sẽ giảm 15% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2010; ít nhất 50% số trẻ em lứa tuổi tiểu học và 70% số trẻ em lứa tuổi trung học cơ sở biết bơi và có kỹ năng tự cứu đuối; ít nhất 70% số trẻ em sử dụng áo phao hoặc cặp phao khi tham gia giao thông đường thủy… Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động trong toàn quốc chương trình hành động "Vì an toàn trẻ em trên sông nước", thực hiện trong 3 năm (2013-2015) nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng về phòng, chống đuối nước… Gần đây nhất, Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Tổ chức UNICEF phát động chiến dịch phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tại buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phòng, chống đuối nước do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức mới đây ở Hà Nội, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống đuối nước cho rằng, để giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ; phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng; tăng cường các biện pháp an toàn giao thông đường thủy; duy trì các hoạt động sinh hoạt hè, công tác quản lý trẻ em trong dịp hè. Trong đó gia đình là nhân tố quan trọng hàng đầu, các em nhỏ cần được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình đặc biệt là cần phải dạy và tập cho các em những kiến thức bơi lội an toàn ngay từ khi con nhỏ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.