Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái hiện kịch cổ đại Hy lạp bằng chèo và tuồng

Nguyễn Hiếu| 08/05/2022 05:23

(HNMCT) - Không phải ngẫu nhiên mà hầu như năm nào “Antigone” của Sophocles, vở kịch kinh điển nằm trong kho tàng kịch cổ đại Hy Lạp, cũng được các nhà hát tiếng tăm trên thế giới dựng lại dưới nhiều hình thức. “Antigone” hấp dẫn bởi đề tài mang tính vĩnh cửu, luôn nóng bỏng chất thời sự về chống chiến tranh và cường quyền, về đạo lý làm người. Từ cuối năm ngoái, Viện Goethe tại Hà Nội đã thực hiện dự án dựng “Antigone” trên sân khấu Việt Nam. Nhiều đoàn kịch tham gia dự án này và bản diễn “Antigone” của Lực Team để lại bài học đáng suy ngẫm.

Các thành viên đoàn kịch Lực Team giao lưu với khán giả sau đêm diễn vở "Antigone".

Lực Team là đoàn kịch tư nhân mà người sáng lập là đạo diễn, NSƯT Trần Lực, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cùng dàn diễn viên đa phần là sinh viên năm cuối. Tính từ vở hài kịch “Quẫn” của cố kịch tác gia Lộng Chương từng làm bùng nổ Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2016 và mang về cho NSƯT Trần Lực giải Đạo diễn xuất sắc nhất, đến nay Lực Team đã cho ra mắt 5 vở. Vở diễn nào của Lực Team cũng để lại dư âm trong lòng khán giả bằng lối làm kịch rất riêng, bằng sự sáng tạo nghệ thuật nghiêm cẩn, ẩn chứa nhiều yếu tố cách tân gắn liền với kịch truyền thống của nước ta.

Kịch bản “Antigone” là phần tiếp theo của kịch bản “Oedipus làm vua” của Sophocles. Sau khi vua Oedipus (Édipe) qua đời, Creon em trai Oedipus lên trị vì. Con trai Oedipus là Polynese mang quân về định giành lại vương quyền nhưng bị giết chết. Vua Creon quyết không làm lễ mai táng mà vứt xác của Polynese ra ngoài đồng. Antigone, em gái Polynese quyết cướp xác anh để mai táng. Antigone bị vua Creon bắt và nàng đã treo cổ tự tử. Cái chết của nàng kéo theo cái chết của Haemon, vị hôn phu của nàng và cũng là con trai của vua Creon... 

Từ kịch bản “Antigone” dài ba giờ, Lực Team chọn giữ những phần cốt lõi, gói vở kịch lại trong hơn một tiếng nhưng vẫn giữ đầy đủ chủ đề tư tưởng, nhân vật và nhất là cốt truyện của nhà viết kịch vĩ đại Sophocles.

Chẳng những tiết giản kịch bản mà ngay trong vở diễn sự tiết giản này còn thể hiện khá rõ ở phương tiện và cảnh diễn. Sân khấu của Lực Team là sân khấu mở. Không có màn, bục, không có mở, đóng màn, chia cảnh diễn mà tất cả câu chuyện được kể từ đầu đến cuối trong một không gian và địa điểm hoàn toàn ước lệ. Có thể nói, chưa bao giờ một kịch bản phương Tây lại được diễn sinh động, nhuần nhuyễn trong phong cách kể của loại hình nghệ thuật kịch truyền thống tiêu biểu của Việt Nam là chèo và tuồng.

Đạo diễn sử dụng chiếu chèo sân đình. Bằng sự tiết giản - ước lệ cao nhất, mọi diễn biến của vở kịch được thể hiện trên tấm vải bạt khi vào trò được các diễn viên mở ra, khi kết thúc thì cuốn lại. Trên chiếu diễn có duy nhất một nhạc sĩ - nhạc công là NSƯT Nguyễn Thanh Nam, nhưng suốt vở diễn, các nhạc cụ thuần Việt như sáo, nhị, đàn bầu đã kết hợp với đàn organ điện tử được diễn tấu phụ họa thực sự ăn khớp với tâm trạng nhân vật và tình huống kịch. Chẳng những sử dụng thành thạo các nhạc cụ mà Nguyễn Thành Nam còn thực hiện cả tiếng đế đặc trưng trong chèo truyền thống. Kịch Hy Lạp cổ đại đa phần thuộc thể loại bi kịch mang chất bi tráng, rất gần với tuồng. Chính vì thế, ngoài dàn nhạc chèo một người, trên sân khấu còn có trống đại để thể hiện chất bi hùng. Đạo diễn Trần Lực chia sẻ: “Hai loại hình sân khấu truyền thống tiêu biểu của nước ta là chèo và tuồng có một phương pháp kể tích chuyện rất hay. Ở cả 5 vở diễn của Lực Team mà tôi dàn dựng đều có sự học tập và ảnh hưởng của chèo và tuồng, nhưng phải đến “Antigone” thì dấu ấn này đậm đặc và trở thành phương pháp chính quán xuyến toàn bộ vở diễn”.

Nhà biên kịch vĩ đại người Đức Bertolt Brecht rất phục phương pháp gián cách mà chèo của Việt Nam là điển hình của phương pháp này. Ở “Antigone”, đạo diễn Trần Lực đã sử dụng gián cách ở mức độ cao nhất. Trong buổi giao lưu sau đêm diễn, diễn viên Ngọc Trâm thủ vai Antigone cho biết. “Với phong cách của chèo sân đình, nên khi vào diễn, tôi diễn hết mình để nhập vai, khi hết trường đoạn tôi ra ngồi bên lề sàn diễn vừa để chiêm nghiệm bạn diễn, để theo dõi cốt truyện và cũng để tính toán xem mình diễn đoạn tiếp theo như thế nào”.

Đạo diễn Trần Lực tỏ ra tôn trọng hình thức của bi kịch Hy Lạp khi ông vẫn giữ nguyên dàn đồng ca kinh điển - một trong những nét sáng tạo chủ đạo của kịch cổ đại Hy Lạp. Về mặt nào đấy, nó có những nét tương đồng với dàn đế trong chèo. Nó giữ vai trò phát biểu chính kiến của tác giả, phụ họa tâm trạng nhân vật, đôi khi còn giữ vai trò dẫn dắt truyện kịch. Ở ta, dàn đồng ca cũng được một số đạo diễn sử dụng nhưng thường biến tấu tùy thuộc vào cảnh diễn. Còn ở “Antigone”, đạo diễn Trần Lực rất trung thành với dàn đồng ca của bi kịch cổ Hy Lạp khi ông định hình dàn đồng ca là năm người lính của vua Creon trong suốt vở diễn.

Đạo diễn Trần Lực được đào tạo nghề ở Bulgaria nhưng ông đã tìm ra cách đi riêng là sáng tạo và cách tân dựa trên vốn nghệ thuật quý giá của dân tộc. Phải chăng, cách đi độc đáo này của Trần Lực là kết quả của sự hấp thụ và kế tiếp từ cha ông, Giáo sư, NSND Trần Bảng, một trong những nhân vật gạo cội của sân khấu chèo cổ điển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái hiện kịch cổ đại Hy lạp bằng chèo và tuồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.