Giải trí

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực: "Người diễn viên phải yêu nhân vật của mình"

Lưu Thảo 17/12/2023 - 15:28

Vì tính chất công việc, tôi gặp Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Lực nhiều lần. Lần nào tôi cũng ấn tượng về một người đàn ông trẻ hơn tuổi, hài hước và đối với mọi việc đều “không có gì quan trọng cả”.

Nhưng cuộc gặp gỡ cách đây 2 tuần trong một sự kiện điện ảnh tại Đà Lạt đã cho tôi cái nhìn khác về Trần Lực, khiến tôi hiểu hơn lý do vì sao nam ngôi sao hiếm hoi của màn ảnh phía Bắc thập niên 1990 - 2000 với “Chuyện tình bên dòng sông”, “Người đi tìm dĩ vãng”, “Người yêu đi lấy chồng”, “Hoa ban đỏ”..., cho đến nay, khi đã bước vào tuổi 60, vẫn là một tài tử có sức hút đặc biệt.

tran-luc.jpg

1. NSND Trần Lực được sinh ra và lớn lên trong môi trường thấm đẫm nghệ thuật, cho nên không khó hiểu khi chất nghệ sĩ và năng khiếu biểu diễn dường như đã có sẵn trong con người anh.

Tuy nhiên, Trần Lực vẫn trưởng thành một cách “tự nhiên” như phần lớn bạn bè đồng trang lứa, thậm chí còn có xu hướng hiếu động, ham chơi, ngại học tới mức mẹ anh phải tìm cách “lái” cậu con trai đến với nghệ thuật chèo. Trần Lực dần dà hứng thú với bộ môn này và bắt đầu yêu thích sân khấu. Anh được gia đình gửi đến Đoàn kịch Tổng cục Hậu cần “học việc”. Sau khoảng thời gian gần 3 năm làm diễn viên, chủ yếu đóng các vai phụ ở Đoàn kịch Tổng cục Hậu cần, Trần Lực thi đỗ ngành Đạo diễn Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam, nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội rồi đi du học nước ngoài.

Tốt nghiệp khoa Đạo diễn Sân khấu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Quốc gia Bungari năm 1991, Trần Lực trở về Việt Nam, háo hức được vùng vẫy dưới ánh đèn sân khấu. Những tưởng, với chuyên ngành được đào tạo bài bản, với niềm đam mê được đem lý thuyết học tại nước bạn áp dụng vào thực tế, sẽ đem đến cái gì đó mới mẻ cho sân khấu Việt Nam, anh sẽ thành một đạo diễn sân khấu nhưng cuối cùng Trần Lực lại “ngã” vào điện ảnh với vai trò diễn viên. Bộ phim đầu tiên anh tham gia đóng chính là “Chuyện tình bên dòng sông” của nữ đạo diễn Đức Hoàn. Với gương mặt điển trai, vẻ ngoài hiền lành lại có tư chất biểu diễn, Trần Lực lập tức gây được ấn tượng với khán giả qua vai Lục - người đàn ông buôn bè tuy tính nết cộc cằn nhưng rất mực yêu thương vợ. Đó cũng là bàn đạp để anh được nhiều đạo diễn, cả trong Nam, ngoài Bắc, mời tham gia các phim điện ảnh tiếp theo: “Đời hát rong” (vai Hùng), “Vụ áp phe Đông Dương” (vai Minh), “Cạm bẫy tình” (vai Thành), “Ảo ảnh tình yêu” (vai Tuấn)...

2. Có thể nói, ở thời điểm đó Trần Lực là gương mặt nam chính đắt khách của màn ảnh phía Bắc khi anh biết kết hợp lợi thế về ngoại hình và lối diễn nội tâm sâu sắc. Đặc biệt, ở giai đoạn đất nước mở cửa, điện ảnh bước vào cơ chế thị trường, các nhà biên kịch đi theo trào lưu phản ánh hiện thực cuộc sống, Trần Lực gần như đóng đinh với hình ảnh người đàn ông chung tình, sống mãi với quá khứ mà trở nên lạc lõng với thời đại vốn bị đồng tiền chi phối. Đó là Hai Hùng trong “Người đi tìm dĩ vãng” - một cựu đội trưởng đặc nhiệm khét tiếng, từng là chỗ dựa tinh thần, là động lực mạnh mẽ của đồng đội ở mặt trận miền Đông Nam Bộ những năm chống Mỹ, là thần tượng của chị em phụ nữ bởi sự nam tính, gan dạ đậm chất lính, nhưng ở thời hiện tại, Hai Hùng lúc này chỉ còn là con người cũ kỹ, chậm tiến và... nghèo. Anh chỉ biết sống với kỷ niệm cũ và những năm tháng đã qua cùng mối tình sâu nặng với Ba Sương... Đó là Tú trong “Người yêu đi lấy chồng” - một anh bộ đội phục viên vẫn nguyên vẹn lời hẹn ước với người yêu trước ngày ra trận, dù khi anh trở về cô đã lấy người khác.

Cùng với xu thế và gu thưởng thức điện ảnh của khán giả thời kỳ mở cửa, các nhân vật do Trần Lực đảm nhận đã giành được tình cảm đặc biệt của công chúng. Tên tuổi anh nhanh chóng nổi tiếng dù trên thực tế, như nhiều người quan niệm, anh chỉ là diễn viên tay ngang.

Bước sang thập niên 2000, Trần Lực thử sức làm đạo diễn với hai bộ phim thuộc thể loại hài hước là: “Hai Bình làm thủy điện” và “Tết này ai đến xông nhà”. Có lẽ tố chất hài hước, hóm hỉnh trong con người Trần Lực đã được phát huy đúng thời điểm, đúng đề tài. Hai bộ phim do anh làm đạo diễn đã giành giải Khuyến khích do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng vào các năm 2001 và 2002. Ngoài ra, anh còn thành lập hãng phim Đông A, đảm nhận vai trò nhà sản xuất, đạo diễn, đôi khi tham gia diễn xuất trong các phim truyền hình: “Làm chồng đại gia”, “Đại ca U70”, “Em không phải là đàn bà”... và một lần nữa tái xuất màn ảnh rộng với vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong phim đề tài lịch sử “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”.

3. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức tại Đà Lạt vào cuối tháng 11 vừa qua, Trần Lực xuất hiện với vai trò diễn viên trong 2 bộ phim truyện dự thi, gồm: “Em và Trịnh” (vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và “Đào, Phở và Piano” (vai ông họa sĩ già). Hai bộ phim với hai đề tài khác nhau, hai thế hệ với cách làm khác nhau nhưng ở mỗi vai diễn - tất nhiên là cũng khác nhau - của mình, Trần Lực đã đem đến sự hài lòng cho đạo diễn và sự thỏa mãn cho người xem. “Em và Trịnh” là sự lãng mạn bay bổng của Trần Lực thời trai trẻ, đến với nghệ thuật bằng tình yêu được chắp cánh từ gia đình và đã hăm hở quay trở về Việt Nam giữa lúc trào lưu định cư ở Đông Âu đang lên như vũ bão. Ở “Đào, Phở và Piano” là người đàn ông Hà Nội Trần Lực đã bước sang bên kia sườn dốc cuộc đời, yêu Hà Nội đến cuồng si và quyết bảo vệ mảnh đất mà mình đã yêu đến mức “không còn gì quan trọng” hơn tình yêu đó, kể cả cái chết.

Bên cạnh vai trò diễn viên, đạo diễn, ông chủ hãng phim, người sáng lập và điều hành sân khấu kịch độc lập Lucteam..., ở tuổi 60, Trần Lực nổi tiếng cả trên mạng xã hội. Nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật của Trần Lực, với nhiều công việc khác nhau và việc gì cũng đều rất “háo hức, hăm hở”, tôi chợt nhận ra một điều: Hầu như trong các cuộc phỏng vấn liên quan đến dự án mới, vai diễn mới, anh đều nhấn mạnh đến chữ "yêu". “Diễn viên là người sáng tạo ra nhân vật, để có được nhân vật hay, hấp dẫn, việc đầu tiên là người diễn viên phải yêu nhân vật của mình. Với “Đào, Phở và Piano”, đạo diễn có tới 4 - 5 ứng cử viên cho vai diễn ông họa sĩ, trong đó có tôi, nhưng vì yêu nhân vật họa sĩ nên tôi đã cố gắng hết sức, nào là nghiên cứu lịch sử, tìm hiểu giai đoạn năm 1947, đời sống Hà Nội ra sao, người Hà Nội những năm ấy họ sống, họ yêu, họ sinh hoạt như thế nào để đạo diễn và thành phần đoàn phim thấy tôi hợp với vai” - anh nói.

NSND Trần Lực sinh năm 1963 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha anh là nhà giáo, đạo diễn, NSND Trần Bảng - một trong những cây đại thụ của sân khấu chèo Việt Nam. Mẹ anh cũng là diễn viên chèo nổi tiếng. Trong vai trò diễn viên, anh nổi tiếng với các vai nam chính diện, hiền lành trong các bộ phim điện ảnh và video: “Đời hát rong”, “Vụ áp phe Đông Dương”, “Cạm bẫy tình”, “Ảo ảnh tình yêu”, “Người yêu đi lấy chồng”, “Chiến dịch trái tim bên phải”... Một số vai diễn khác của anh được đánh giá cao, như Tuấn trong phim “Trở về”; Phương trong “Hoa ban đỏ”...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực: "Người diễn viên phải yêu nhân vật của mình"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.