(HNM) - Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (31/12/1957 - 31/12/2022) và 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922 - 10/12/2022), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động tôn vinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận - vị Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khóa I, khóa II, từ năm 1957 đến năm 1983), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I (năm 1996). Trong đó, nổi bật là chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” được tổ chức vào 20h ngày 25-12 tại Nhà hát Truyền hình Quốc phòng (thành phố Hà Nội).
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông sinh tại xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận kể, ngay từ năm 14 tuổi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã tự học nhạc dân gian và biết chơi sáo trúc, tiêu, pipa... Sau này, khi nhạc cải lương được nhen nhóm, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng chạm ngõ tân nhạc, học guitar, banjo, harmonica và bắt đầu viết nhạc.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc đầu tiên năm 17 tuổi, đó là bài “Trưng Vương”. Thể loại âm nhạc sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận rất phong phú, từ nhạc thiếu nhi, hợp xướng, khí nhạc, ca khúc... Tên tuổi ông gắn bó với nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Du kích ca”, “Viếng mồ tử sĩ”, “Đoàn lữ nhạc”, “Áo mùa đông”, “Nhớ chiến khu”, “Tiếng súng Nam Bộ”, “Du kích sông Thao”, “Bé yêu Già Hồ”, “Việt Nam quê hương tôi”, “Vui mở đường”, “Đường bốn mùa xuân” và đặc biệt là chùm ca khúc “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên” được ví như “đỉnh núi” âm nhạc về Chiến thắng Điện Biên Phủ… Nhạc sĩ còn có những tác phẩm khí nhạc như “Vũ khúc Tây Nguyên” cho violon và dàn nhạc, khúc biến tấu trên chủ đề dân ca cho flute và piano “Mùa xuân trên rừng”, ba biến tấu cho violon và piano, tổ khúc giao hưởng “Điện Biên”, giao hưởng thơ “Đimit'rov”…
Ngoài ra ông còn viết kịch múa, nhạc nền cho nhiều phim tài liệu, phim truyện… Đặc biệt, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch (opera) ở Việt Nam. Vở opera đầu tiên của ông là “Cô Sao” cũng là tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, ông còn viết nhiều vở nhạc kịch ghi dấu ấn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như “Người tạc tượng”, “Nguyễn Trãi”…
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người kiên định theo con đường âm nhạc dân tộc. “Các chất liệu âm nhạc truyền thống dân tộc đều được ông nghiên cứu kỹ, như con ong hút mật ngọt từ đó cho các sáng tác của mình”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết.
Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” sẽ tôn vinh những đóng góp to lớn trong bước đường hình thành, xây dựng và phát triển Hội Nhạc sĩ Việt Nam và những thành tựu sáng tạo âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Chương trình mang đến những tác phẩm bất hủ của ông như: “Du kích ca”, “Du kích sông Thao”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Việt Nam quê hương tôi”, “Vui mở đường”, “Trông cây lại nhớ đến Người”… Các tác phẩm được thể hiện với phong cách âm nhạc đương đại, mới mẻ và dàn dựng công phu, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cùng ban nhạc điện tử Muca (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội), Dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tốp ca nam nữ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Theo Nghệ sĩ ưu tú Lê Thụy, đạo diễn chương trình, để tái hiện âm thanh cuộc đời “người khổng lồ” của âm nhạc Việt Nam, chương trình được cấu trúc với 8 trường đoạn, trong đó có cả sự góp mặt của các diễn viên vào vai Đỗ Nhuận với những hình ảnh đời thường, dung dị nhất...
Chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh QPVN, HTV1 (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội), phát thanh trực tiếp trên kênh VOV3 (Đài Tiếng nói Việt Nam) và toàn bộ nội dung được truyền tiếp trên kênh HTV9 (Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài ra, chương trình được phát trực tuyến trên kênh YouTube, website, Facebook của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Muca của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; Công ty cổ phần Truyền thông Người Sài Gòn (Saigonese) để công chúng cả nước thưởng thức.
Chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn có các hoạt động: Lễ khánh thành Nhà lưu niệm nhạc sĩ Đỗ Nhuận vào ngày 10-12 tại xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; hội thảo “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” gắn với chặng đường 65 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào sáng 25-12 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông còn phát hành bộ tem “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.