Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái diễn, vì sao?

Minh Ngọc| 25/05/2011 06:24

(HNM) - Hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV) tại Hà Nội, sau rất nhiều nỗ lực quản lý, bóc xóa của mọi người, mọi ngành để góp phần làm cho Thủ đô khang trang, sạch đẹp hơn, gần đây lại có dấu hiệu tái diễn. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này?


Quảng cáo rao vặt trái phép như căn bệnh nan y chưa tìm được thuốc giải hữu hiệu. Ảnh: Ngọc Linh



Nỗ lực bao nhiêu cũng chưa đủ


Thực tế kiểm tra của Sở VH,TT&DL Hà Nội cho thấy: Hoạt động QCRV trái phép tái diễn do rất nhiều nguyên nhân. Đơn cử như ở Hoàn Kiếm, một trong những quận được thành phố Hà Nội "chọn mặt gửi vàng" thí điểm xóa sạch "rác trên tường", sau hơn một năm huy động mọi lực lượng tham gia, những mẩu QCRV vẫn còn xuất hiện đâu đó trên những con phố trung tâm.

Ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng phòng VH-TT quận cho biết: Quận đã huy động gần 9.000 lượt người tham gia bóc xóa hơn 85.000 mẩu QCRV ở 5.200 điểm, sơn xóa gần 6.000m2 tường nhà, cột điện, tủ điện… nhưng con số trên như muối bỏ bể. Ngay như việc ban hành quyết định thưởng từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng cho người có thành tích phát hiện, bắt giữ đối tượng dán QCRV trái phép nhằm khuyến khích người dân tưởng như là biện pháp hữu hiệu cũng gặp không ít khó khăn. Trong số 21 vụ do người dân phát hiện và bắt giữ, chỉ có 5 vụ tìm được địa chỉ gốc để lập hồ sơ khen thưởng bởi các đối tượng đi dán chủ yếu là người làm thuê, lao động tự do hoặc trẻ vị thành niên.

Khó khăn hơn, có những trường hợp vi phạm bị "bắt tận tay, day tận mặt" mà các cơ quan chức năng vẫn chưa biết phải xử lý thế nào cho đủ sức răn đe. Ví dụ ngày 6-5, các cụ cao tuổi thôn Đông Tây, xã Vân Nội (Đông Anh) giả là người có nhu cầu hút bể phốt, thông tắc vệ sinh gọi cho số điện thoại 0972.420.255 dán tràn lan trên các cột điện trong thôn. Một chiếc xe mang biển số thành phố Hồ Chí Minh 57L-0984 in lô gô "Công ty Vệ sinh môi trường và đô thị vì thành phố xanh - sạch - đẹp" đến đúng điểm hẹn nhưng khi biết bị "mắc bẫy", người lái xe cũng đồng thời là người thực hiện việc thông tắc bể phốt khăng khăng khẳng định công ty anh ta chỉ có một số điện thoại duy nhất giao dịch với khách hàng là 0905.707.676, còn số điện thoại quảng cáo dán trên cột điện kia là của ai thì không biết. Lời giải thích rất vô lý bởi không có quan hệ sao biết ở Đông Tây có người gọi mà đến nên người lái xe buộc phải giải thích rằng: người dán QC là trung gian, anh ta cũng không biết người đó là ai, còn trụ sở chính của công ty ở trong thành phố Hồ Chí Minh, giám đốc là ai anh ta không hay biết. Bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận định: Đó là công ty ma và là đối tượng có hành vi QCRV trái phép nhiều nhất.

Được đánh giá là địa phương thực hiện quản lý hoạt động QCRV tốt nhất thành phố, bà Nguyễn Kim Ngân, Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Anh vẫn phải than thở: "Ban ngày có nỗ lực bóc xóa bao nhiêu đi chăng nữa thì chỉ sau một đêm đâu lại vào đấy, cho dù huyện đã tổ chức cuộc thi thôn, làng, khu dân cư không có QCRV nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với hoạt động nhiều ý nghĩa này".

Thực tế đó cho thấy chừng nào mỗi người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn Thủ đô còn thiếu ý thức văn minh nơi công cộng, chừng đó việc quản lý hoạt động QCRV trái phép còn nhiều gian nan.

Phải chỉ mặt, gọi tên

Có thể nói rằng, việc lắp đặt các bảng QCRV miễn phí được coi là một trong những biện pháp tối ưu để đưa hoạt động QCRV đi vào nền nếp. Thế nhưng, hệ thống bảng QCRV vẫn ít phát huy hiệu quả. Bảng QCRV trước cổng chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy) luôn ở trong tình trạng trống trơn, bảng ở khu Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng bị khóa trái, 3 tháng nay chưa đăng thông tin mới trong khi mặt tiền các tuyến phố chính như Xuân Thủy, Dịch Vọng, Phạm Văn Đồng… chi chít những dòng QCRV. Thế mà, cán bộ văn hóa quận thì báo cáo Cầu Giấy đã bóc xóa QCRV trái phép được 90%, hệ thống bảng QCRV phát huy hiệu quả tích cực... Tương tự, hai bảng QCRV trên đường Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm) bị chiếm dụng làm quán nước, bảng trên đường Giang Văn Minh (Ba Đình) cả tháng chả có khách đến dán, đến xem…

Đáng nói hơn, việc cắt vĩnh viễn số thuê bao điện thoại vi phạm kèm theo mức phạt tiền xem ra cũng chưa được thực hiện triệt để. Theo thống kê, đến nay Sở TT&TT Hà Nội mới yêu cầu cắt 615 số thuê bao vi phạm, trong đó các nhà mạng mới ngừng cung cấp 42 số. Trong khi đó, mỗi quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy hay Đông Anh đã thống kê được hàng trăm thuê bao vi phạm. Không những thế, đại diện các nhà mạng còn đề nghị Sở TT&TT gia hạn thêm thời gian xử lý các thuê bao vi phạm với lý do… họ còn nợ tiền. Điều đó cho thấy, sự phối hợp thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt giữa các ngành.

Trước trực trạng này, với vai trò là đơn vị "đầu mối" quản lý hoạt động QCRV, bà Vũ Thùy Anh cho rằng: Đã đến lúc các ngành liên quan phải vào cuộc đồng bộ, xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm như việc truy tìm thủ phạm cưa trộm gỗ sưa. Khi tìm ra thủ phạm thì phải xử phạt thật nặng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm gương. Đối với các thuê bao điện thoại vi phạm, bà Thùy Anh đề nghị Sở TT&TT sớm xử lý với thái độ kiên quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái diễn, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.