(HNM) - Thời gian qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn gặp khó khăn về thị trường, an toàn dịch bệnh… Tái cơ cấu ngành chăn nuôi là việc làm cấp bách để phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và không chạy theo phong trào...
Một mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm). Ảnh: Bùi Tuấn |
Bộn bề khó khăn
Theo Bộ NN&PTNT, tình hình chăn nuôi năm 2017 gặp nhiều biến động, nhất là giá thịt lợn giảm sâu từ đầu năm đến giữa năm khiến người chăn nuôi chịu thua lỗ phải giảm, bỏ đàn, thậm chí là treo chuồng. Sau nhiều nỗ lực phục hồi, kết thúc năm 2017, tổng đàn lợn cả nước đạt 27,4 triệu con, giảm 5,7% so cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3,7 triệu tấn, tăng 1,9%. Tương tự, đàn gia cầm là 385,5 triệu con, tăng 6,6%, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 1,03 triệu tấn, tăng 7,3%...
Trong bối cảnh ấy, TP Hà Nội cũng chung nỗi khó khăn với cả nước. Bà Nguyễn Thị Dung - một chủ hộ lớn chăn nuôi lợn tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên lo lắng: "Hiện không có doanh nghiệp thu mua chế biến nên giá sản phẩm chăn nuôi phụ thuộc vào thương lái. Trong khi đó thông tin dự báo thị trường còn hạn chế, dẫn tới nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ, thậm chí phá sản".
Trao đổi về những khó khăn của ngành, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Chăn nuôi là hoạt động sản xuất mang tính truyền thống, quy mô nhỏ lẻ còn chiếm đa số khiến việc phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Công tác giám sát, quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y có nhiều hạn chế. Hệ thống giết mổ, chế biến sản phẩm động vật tập trung bảo đảm vệ sinh môi trường và kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm chưa cao. Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được đẩy mạnh, chưa hình thành được hệ thống doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi... Những yếu tố này đang kìm hãm chăn nuôi phát triển.
Tái cấu trúc cách nào?
Năm 2018, ngành chăn nuôi đề ra nhiều mục tiêu gắn với tái cơ cấu ngành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 3,8 đến 4% so với năm 2017; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 5,4 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng trứng các loại khoảng 11,58 tỷ quả, tăng 8,8%...
Để đạt mục tiêu trên, ông Hoàng Thanh Vân khẳng định, ngành chăn nuôi sẽ rà soát, đánh giá kết quả triển khai tái cơ cấu chăn nuôi tại 63 tỉnh, thành phố. Cục Chăn nuôi sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng sản phẩm đặc sản của từng vùng, từng địa phương; tổ chức hợp tác, liên kết để xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Cùng với đó, phát huy lợi thế các giống bản địa (như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà mía...). Đồng thời, đẩy mạnh dự báo, thông tin thị trường; chủ động và tham mưu cho Bộ NN&PTNT một số giải pháp khơi thông thị trường, tập trung một số sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu như: Thịt lợn, thịt gà, trứng vịt, sữa và các sản phẩm từ sữa…
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, cụ thể hóa mục tiêu của Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, có đầu tư công nghệ cao. Thành phố tập trung triển khai Dự án "Chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020" và "Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế" trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi để phát triển một cách bền vững. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hỗ trợ liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và sớm trở thành trung tâm giống chất lượng của cả nước; công tác quản lý và cung ứng nguồn thuốc thú y, con giống, thức ăn chăn nuôi sẽ được siết chặt. Đồng thời Hà Nội cũng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho người dân; tăng cường kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, chế biến vận chuyển, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc động vật; thực hiện nghiêm quy định vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng; chú trọng tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm...
Hy vọng, bằng việc thực hiện đồng bộ giải pháp nêu trên, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi sẽ phát huy lợi thế, khả năng sản xuất, giúp một số loại vật nuôi tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, tăng giá trị... mang lại sự phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.