(HNM) - Thời gian vừa qua, việc Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng/cổ phiếu khiến không ít người ngạc nhiên, bởi đây là động thái chưa từng có tiền lệ. Câu hỏi đặt ra là liệu thời gian tới có ngân hàng nào rơi vào tình trạng tương tự,
Không còn sử dụng giải pháp mềm như trước là yêu cầu tự tái cơ cấu, sáp nhập vào tổ chức tín dụng khác... đối với VNCB, có vẻ như NHNN khá "rắn" khi công bố mua lại ngân hàng này chỉ với giá 0 đồng/cổ phiếu. Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của hệ thống ngân hàng đã có một ngân hàng có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng được cơ quan quản lý mua lại mà không phải chi bất cứ một khoản vốn nào. Sự việc này đã khiến không ít người lo ngại cho hoạt động của hệ thống tín dụng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ. Song, nhiều chuyên gia đánh giá, sau hàng loạt sai phạm lớn của VNCB, việc NHNN thực hiện mua lại để bảo đảm quyền lợi của khách hàng là hợp lý. Đây là một trong những bước đi của cơ quan này nhằm thanh lọc hệ thống, giúp các ngân hàng hoạt động lành mạnh và khỏe hơn.
Trong cuộc phỏng vấn báo chí gần đây nhất, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc NHNN mua lại VNCB là phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Khi các cổ đông đã làm mất hết vốn của mình, thậm chí là dùng cả vốn của xã hội, những cổ đông đó phải ra đi, Nhà nước phải tiếp quản lại để giữ được ổn định hệ thống, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp trong ngân hàng đó. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh, nhiều ngân hàng sẽ hợp nhất, sáp nhập, một số ngân hàng có thể cũng được mua lại như VNCB. Việc sáp nhập sẽ không loại trừ các ngân hàng đang khỏe mạnh để tạo ra ngân hàng có quy mô lớn hơn, có khả năng hoạt động tốt hơn. Vì vậy, có thể các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước sáp nhập với nhau, hoặc NHTM nhà nước sáp nhập với ngân hàng cổ phần... Cụ thể, trong năm nay, NHNN sẽ xử lý ít nhất 6-8 ngân hàng nhằm đạt được mục tiêu là kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc. Ngoài ra, NHNN sẽ xử lý cơ bản tình trạng sở hữu chéo, hình thành một số ngân hàng có quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh. Đối với Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, sau gần 3 năm (từ ngày 1-3-2012), đến nay, NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 4 NHTM nhà nước và phương án tái cơ cấu của 20 NHTM cổ phần, tình hình tài chính và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện. Vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt hơn 430.000 tỷ đồng, nợ xấu giảm mạnh.
Tái cơ cấu các ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc xử lý các khoản nợ xấu cồng kềnh, vốn bị coi là cục máu đông gây tắc nghẽn dòng chảy của nền kinh tế. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, dự kiến đến hết năm 2015, NHNN sẽ đưa nợ xấu đó về mức dưới 3%. Các NHTM dưới sự giám sát của NHNN phải trích lập dự phòng rủi ro để tự bản thân có thể xử lý được nợ xấu hoặc một phần nợ xấu của ngân hàng mình. Về hoạt động mua bán nợ, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đề ra mục tiêu sẽ mua 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015, sau khi đã mua 123.000 tỷ đồng nợ xấu từ tháng 10-2013 đến cuối năm 2014. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC sẽ thí điểm mua nợ xấu theo giá thị trường sau khi được bổ sung vốn điều lệ.
Năm 2015, NHNN đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 13-15%. Nếu thực hiện được mục tiêu về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, con số 13-15% sẽ nằm trong tầm tay. Đại diện hầu hết các tổ chức tín dụng đều khá lạc quan với kế hoạch này vì môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của bản thân các tổ chức tín dụng đã cải thiện đáng kể trong năm 2014 và sẽ tiếp tục cải thiện tích cực hơn trong năm 2015. Cùng với tâm lý lạc quan về triển vọng kinh doanh và rủi ro của các nhóm khách hàng giảm rõ rệt, đa số các tổ chức tín dụng tin tưởng tỷ lệ nợ xấu của họ sẽ ở mức dưới 3% trên tổng dư nợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.