(HNM) - Trong tái cơ cấu, các cấp và các ngành cần xác định rõ trình tự, lộ trình, bước đi cho từng ngành, từng doanh nghiệp; phương hướng giải quyết những tồn tại vướng mắc, cùng tác động mặt trái của tái cơ cấu nền kinh tế. Đây còn là yếu tố quan trọng, để ta bảo vệ lợi ích của người lao động trên cả nước.
Người lao động cần được bảo vệ những lợi ích chính đáng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.Ảnh: Thái Hiền
Tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả của các cơ sở kinh tế trong nước, cùng sự tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tái cơ cấu kinh tế được tiến hành ở nhiều cấp, nhiều ngành và doanh nghiệp, của cả trung ương và địa phương. Trong tái cơ cấu sẽ phải điều chỉnh và sắp xếp lại hệ thống tổ chức, quản lý và điều hành, cùng các ngành nghề sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn vốn đầu tư lớn, trình độ quản lý và sản xuất, cũng như năng suất lao động đòi hỏi cao hơn, trong khi đó nguồn nhân lực lại sử dụng tinh và ít hơn. Vì vậy sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn các cấp cần phải nghiên cứu và giải quyết, nhất là chế độ tiền lương và tiền thưởng, lực lượng lao động dư thừa do giảm biên chế, cũng như năng lực không đáp ứng nhu cầu quản lý và điều hành, sản xuất cũng như kinh doanh...
Trong khi đó, Nhà nước lại giảm đầu tư công, ngân sách để cải cách tiền lương, thực hiện chế độ tiền thưởng và các chính sách xã hội hạn chế. Bên cạnh đó, nhu cầu cuộc sống của người dân đòi hỏi ngày càng cao, giá cả hàng hóa lại không ngừng gia tăng, tác động nhiều đến cuộc sống người lao động.
Bảo vệ lợi ích người lao động trong quá trình tái cơ cấu, trước hết các cấp và các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là cán bộ, công nhân viên trong các ngành và doanh nghiệp, nhận rõ mục đích của tái cơ cấu kinh tế để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và giúp đỡ của toàn dân, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp. Công khai hóa chủ trương và phương hướng tái cơ cấu, nhằm ổn định tư tưởng và tâm lý, hạn chế sự hiểu lầm, làm xáo động dư luận xã hội, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Lấy ví dụ việc sáp nhập 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua. Do không làm tốt công tác tuyên truyền, công khai hóa chủ trương, phương hướng sáp nhập; xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm người lao động và người dân có liên quan, nên giai đoạn đầu đã gây tác động không tốt đến dư luận, tâm lý hoang mang cho những người có liên quan, người dân đã phải xếp hàng nhiều ngày để rút tiền tiết kiệm.
Trong sắp xếp lại hệ thống tổ chức quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, các cấp cần giữ vững các kênh đầu tư và nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng nhanh năng lực sản xuất, cũng như phân phối, nhằm ổn định giá cả, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường lượng hàng xuất khẩu, tạo thu nhập cho đất nước. Cùng với sắp xếp lại sản xuất, các ngành cần có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, tùy theo lứa tuổi, trình độ chuyên môn tay nghề, để xác định thời gian dài ngắn, tạo cơ hội kiếm việc làm, giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp còn phải thực hiện tốt các chính sách xã hội, thực hiện sáng tạo chế độ nghỉ việc, hưu trí, trợ cấp kinh phí đào tạo nghề cho phù hợp với từng đối tượng lao động khi bị giảm biên chế... Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn của cả nước, có nhiều ngành nghề và cơ sở kinh tế cần được cơ cấu lại. Quá trình tái cơ cấu, Hà Nội nhận được sự lãnh đạo và chỉ đạo của trung ương, tiếp thu được kinh nghiệm từ các tỉnh, thành và các ngành trên cả nước, cùng các tổ chức quốc tế đang hoạt động trên địa bàn cũng như các thành phố và tổ chức kinh tế nước ngoài, trong quan hệ hợp tác quốc tế để tái cơ cấu. Hà Nội còn có nhiều trường đại học, cao đẳng cùng các trung tâm dạy nghề, để đào tạo nâng cao tay nghề, chất lượng nguồn nhân lực... Cùng với thuận lợi, Hà Nội cũng có nhiều khó khăn trong quá trình tái cơ cấu, nhất là trình độ quản lý và điều hành, năng lực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư, trình độ công nghệ, hệ thống thiết bị và dây chuyền sản xuất... Trong tái cơ cấu, lực lượng lao động dư thừa sẽ nhiều, cộng với lực lượng lao động không có nghề ở các tỉnh, thành chuyển về ngày càng lớn. Ngân sách thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ cho sản xuất và đào tạo lại nguồn nhân lực không nhiều... Đây là những yếu tố gây cản trở, mà trong tái cơ cấu các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, làm tham mưu để Thành ủy và UBND TP Hà Nội có chủ trương và phương hướng lãnh đạo, cùng các biện pháp để bảo vệ người lao động.
Bài học thành công và chưa thành công trong tái cơ cấu Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty Điện lực (EVN), Ngân hàng SCB ở thành phố Hồ Chí Minh, rất cần được nghiên cứu, để có những biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền lợi người lao động trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.