Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu để tăng giá trị sản xuất

Tuệ Diễm| 18/02/2019 08:02

(HNM) - Tuy có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh vẫn tăng trưởng đều đặn nhờ việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Thành phố chủ trương giảm diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Nông dân trồng rau sạch trên đất lúa bỏ hoang tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho thu nhập cao.


Hiệu quả kinh tế cao

Trước đây, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn vốn là vùng đất trồng lúa nhưng giá trị kinh tế thấp nên nhiều nông dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau, thành lập các hợp tác xã trồng rau an toàn. Từ đó, đời sống của người dân được cải thiện.

Ông Trần Văn Thơm - thành viên Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất nông nghiệp Mai Hoa tại xã Xuân Thới Sơn cho biết: “Hợp tác xã chúng tôi cung cấp ra thị trường 2-2,5 tấn rau/ngày. Rau được thu mua cao hơn giá thị trường 30% để bán cho hệ thống siêu thị Vinmart. Hợp tác xã có 20 hộ nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ trồng rau, xã viên có thu nhập tốt, có tiền mua đất, xây nhà”.

Củ Chi cũng là một huyện điển hình của TP Hồ Chí Minh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, ngành Nông nghiệp huyện Củ Chi tăng trưởng 8%, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 7.700 tỷ đồng. Huyện chủ trương hỗ trợ người dân tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để khắc phục sự bất lợi của thời tiết; vận động bà con nuôi bò sữa cao sản.

Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: “Được sự quan tâm của chính quyền thành phố, huyện Củ Chi tiến hành tái cơ cấu ngành, tăng giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững. Nhờ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo ra việc làm, phát triển sản xuất. Huyện phấn đấu cuối năm 2019 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”.

Ngày nay, bộ mặt vùng ngoại thành TP Hồ Chí Minh dần thay đổi, được quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như trồng hoa lan ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh; chăn nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi; hay nuôi cá cảnh ở quận 12 xuất khẩu ra nước ngoài. Các mô hình cánh đồng trồng hoa mai rộng 250ha tại xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh), cánh đồng hoa lan 10ha tại xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), cánh đồng lan 7ha tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) được hình thành, chấm dứt tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố chủ trương phát triển các loại rau ăn lá và ăn quả ứng dụng công nghệ cao, trong đó rau ăn lá cho thu nhập bình quân 1-1,4 tỷ đồng/ha/năm. Nhóm rau ăn quả thu nhập bình quân 0,6-0,7 tỷ đồng/ha/năm. Hoa lan cho thu nhập bình quân trên 2 tỷ đồng/ ha/năm. Bò sữa quy mô 20 con cho thu nhập 800 triệu đồng/năm. Nuôi tôm siêu thâm canh thu nhập bình quân 2-3 tỷ đồng/ha/năm. Nuôi cá cảnh thu nhập bình quân 10-12 tỷ đồng/ha/năm. Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được người dân, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư”.

Tăng cường hỗ trợ nông dân

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ngành Nông nghiệp tăng 6,2%, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 502 triệu đồng/ha, tăng 11% so với cùng kỳ. Năm 2019, ngành Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao là 6%, nâng giá trị sản xuất bình quân lên 550 triệu đồng/ha.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cơ cấu và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Thành phố đã công bố các loại cây trồng, vật nuôi là sản phẩm chủ lực ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 gồm: Rau, hoa cảnh, lợn, bò sữa, tôm nước lợ, cá cảnh.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Các hộ dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất sản xuất muối và sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản thì ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư ban đầu như đào ao, lót bạt..., với mức hỗ trợ tối đa 70 triệu đồng/ha. Nông dân thực hiện chuyển đổi đất cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cây hiệu quả cao hơn như rau, hoa kiểng, cỏ chăn nuôi thì ngân sách sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cải tạo hạ tầng sản xuất vụ đầu tiên, tối đa 30 triệu đồng/ha”.

TP Hồ Chí Minh định hướng sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch nông thôn thông qua các loại hình du lịch nhà vườn, làng hoa, làng du lịch sinh thái ven sông, du lịch sinh thái rừng ngập mặn.

Ngoài ra, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp trở thành trung tâm giống sản xuất, cung cấp giống chủ lực cho khu vực phía Nam và phát triển các sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Song song đó, thành phố có chính sách khuyến khích áp dụng quy trình VietGAP trong nông nghiệp và thủy sản, hỗ trợ cơ sở ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới. Đồng thời, thành phố hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch thông qua việc duy trì tổ chức chợ phiên nông sản an toàn.

Ông Bùi Văn My - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh nhận xét, qua việc tổ chức chợ phiên, các đơn vị cũng mở rộng diện tích sản xuất các sản phẩm an toàn vì có thêm đơn đặt hàng. Theo báo cáo của các đơn vị tham gia chợ phiên, hơn 2 năm tổ chức đến nay các đơn vị này đã tăng diện tích sản xuất 130ha, sản lượng nông sản an toàn tăng thêm tương ứng 20.000 tấn/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu để tăng giá trị sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.