Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tái cấu trúc và bài toán quản trị cho doanh nghiệp Việt”

H.T| 28/07/2012 13:58

(HNMO) – Là tên buổi hội thảo diễn ra sáng 28/7 tại Hà Nội. Hội thảo do do Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB-Trường ĐH Quốc gia HN phối hợp với Viện Quản trị Kinh doanh (FSB- Trường Đại học FPT tổ chức.

Tại buổi hội thảo diễn ra sáng nay.


Tham dự buổi hội thảo gồm có đông đảo doanh nhân, CEO, nhà quản trị các doanh nghiệp tại Hà Nội. Diễn giả hội thảo là TS.Nguyễn Đình Long Phó Tổng Giám Đốc Tài chính kinh doanh – Tập đoàn kinh tế Vinashin, Giảng viên kiêm nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và là Chuyên gia tư vấn Tái cấu trúc doanh nghiệp.

Khủng hoảng kinh tế kéo theo nhiều thách thức mà doanh nghiệp VN phải gồng mình đối phó, nhưng đồng thời đây cũng được coi là cơ hội để doanh nghiệp tự đánh giá và làm mới chính mình thông qua quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp – một vấn đề nổi bật và được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm trong giai đoạn này.

Trong suốt quá trình đó, CEO - người điều hành hoạt động thường ngày của doanh nghiệp được đánh giá như người nhạc trưởng chỉ huy - có vai trò tiên quyết tạo nên thành công hay thất bại của toàn cuộc hành trình cải cách.

Trong quá trình thảo luận, TS nguyễn Đình Long đã trình bày về những xu hướng tất yếu trong chuyển đổi mô hình kinh doanh và cách thức quản lý doanh nghiệp trong giai đoạn hậu khủng hoảng; điểm lại bài học kinh nghiệm qua các tình huống tái cấu trúc điển hình của doanh nghiệp Việt Nam năm 2012; tổng kết những khó khăn và thách thức trong tái cấu trúc doanh nghiệp và vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp vừa và nhỏ để tự bảo vệ mình trong môi trường mua bán sát nhập.

Bản chất của tái cấu trúc là sự thay đổi để đạt hiệu quả hoạt động cao hơn, nhằm thực tế hóa các mục tiêu của tổ chức. Tuy nhiên, khi tiến hành tái cấu trúc chắc chắn DN phải đối mặt với rất nhiều áp lực lớn từ sự thay đổi trong nội tại doanh nghiệp. Qua khảo sát thực tiễn tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, việc tái cấu trúc sẽ đặc biệt gặp khó khăn trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, thiếu sự quyết tâm cao độ và đồng lòng của Ban lãnh đạo và các nhà quản lý cấp cao. Điều này thường xảy ra trong môi trường quản trị truyền thống, khi mà kỹ năng quản lý được quá nhấn mạnh, trong khi kỹ năng lãnh đạo, và năng lực cảm nhận, dự báo và đánh giá khá chuẩn xác về biến động của môi trường kinh doanh bên ngoài và mầm mống vấn đề bên trong tổ chức không được coi trọng.

Thứ hai, tái cấu trúc chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi của một hay một số nhóm người. Việc theo đuổi mục tiêu chiến lược và dung hòa lợi ích của tất cả các nhóm là điều không dễ dàng gì. Nhà quản trị phải tạo dựng cho mình một phong cách lãnh đạo phù hợp để lãnh đạo và dẫn dắt sự thay đổi và định hướng nhân viên của mình vào mục tiêu chung của doanh nghiệp

Thứ ba, quá trình tái cấu trúc - nhìn từ bên trong- là quá trình liên quan chặt chẽ đến con gười. Nhà quản trị ngoài việc bố trí lại tổ chức bộ máy và nhân sự, còn phải đánh giá và xem xét lại hệ thống đánh giá nhân viên, hệ thống đãi ngộ và đổi mới các hình thức đào tạo, phát triển nhân viên. Việc chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt thay vì lợi ích lâu dài có được từ “tái cấu trúc” con người sẽ đẩy việc tái cấu trúc vào ngõ cụt, thiếu tầm nhìn dài hạn.

Thứ tư, trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi và chọn lựa lại ngành/danh mục kinh doanh/ đổi mới phương thức bán hàng và đổi mới mô hình doanh thu là một trong những quyết định chiến lược mà CEO phải nắm bắt, kiểm soát và thường xuyên đánh giá hiệu quả. Mỗi một vấn đề đề trên đề cần một quyết định lớn đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao nhất phải quyết định dứt khoát dựa trên cơ sở thực tiễn và có tính khả thi cao. Điều này chỉ đem lại kết quả khi nhà quản trị có kiến thức và kỹ năng về quản trị và lập kế hoạch chiến lược, có hiểu biết sâu sắc về môi trường kinh doanh và triển vọng kinh tế vĩ mô.

Để đưa ra quyết định chính xác, việc trao đổi, tham khảo bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp khác ở Việt Nam và trên thế giới là rất cần thiết đối với các CEO doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tái cấu trúc và bài toán quản trị cho doanh nghiệp Việt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.