(HNM) - Bệnh viện (BV) Da liễu TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua luôn là điểm
“Cò” ngang nhiên hoạt động ngay giữa đường, trước cổng BV Da liễu TP Hồ Chí Minh.
Trong vai một bệnh nhân, 9h sáng 20-7, tôi có mặt tại BV Da liễu TP Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3). Vừa dừng xe trước cổng, hai thanh niên chừng 40 tuổi lao ra chặn đầu hỏi liên hồi: "Ủa ông anh khám gì vậy ? Bữa nay bác sĩ chỉ khám cho diện BHYT thôi, không khám dịch vụ đâu. Về phòng mạch tư của bác sĩ Nguyệt khám cho lẹ. Nếu thích khám bác sĩ nam, em dẫn đến bác sĩ Nguyên, nhanh lắm không phải chờ đâu". Thấy tôi lưỡng lự, tay "cò" đứng cạnh lôi xe nói thêm "Anh yên tâm đi, đây toàn bác sĩ giỏi của BV làm thêm giờ, bảo đảm chất lượng khỏi chê!".
Ai cũng thấy rõ các "cò" ở đây hoạt động ngang nhiên như thế nào. Mỗi khi có xe đi chậm lại trước cổng, 2-3 "cò" lao thẳng ra giữa đường chặn hỏi mặc cho hai nhân viên bảo vệ của BV đứng cách đó chưa đầy 2m. Có khoảng 4-5 "cò" luôn túc trực ở đầu đường Phạm Đình Toái trước cổng BV. Hễ thấy ai định rẽ vào BV, những người này lập tức vẫy tay: "Khám da liễu qua bên đây lấy số" hoặc "sáng nay bác sĩ họp không khám đâu"… Với những chiêu như vậy, không ít bệnh nhân từ các tỉnh lên khám bệnh dễ dàng bị mắc lừa. Người dân sống ở đây cho biết, hiện có khoảng hơn một chục "cò" hành nghề. Họ ăn hoa hồng trên mỗi toa thuốc bệnh nhân đến khám tại phòng mạch từ 20 tới 30%!
BS Vũ Hồng Thái, Giám đốc BV bức xúc nói: "Đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu chiến dịch truy quét, bắt giữ rồi phạt hành chính mà có ăn thua gì đâu. Chúng tôi đành bó tay bởi chúng hoạt động ngoài cổng BV không thể can thiệp được". BS Vũ Hồng Thái cho biết, đã không ít lần những "cò" gây sự với bảo vệ BV khi họ khuyên người dân vào trong. Một vài nhà báo đến viết bài, chụp ảnh còn bị chúng đe dọa phải nhờ bảo vệ của BV đưa ra cổng sau.
Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Trưởng phòng Tổ chức BV cho biết, cùng với những thông báo treo trước cổng, BV cho phát loa liên tục để lưu ý mọi người. Để giúp bệnh nhân không phải chờ lâu, BV bố trí các bác sĩ khám liên tục từ 6h sáng đến 18h30 chiều, kể cả thứ bảy và sáng chủ nhật. Kể từ năm 2004 đến nay, BV đã gửi không ít công văn đến Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Công an phường 6 (quận 3) đề nghị phối hợp giải quyết tình trạng "cò" nhưng đến mọi giải pháp vẫn chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa". Khẳng định không có bác sĩ nào của BV làm việc với "cò", ông Huỳnh Ngọc Thạch cho rằng nạn "cò" tồn tại được một phần do người bệnh tin lời chèo kéo. Do một số bệnh nhân muốn khám, điều trị nhanh, số khác muốn được bác sĩ giỏi khám, có bệnh nhân lại e ngại khi đến khám và điều trị tại BV… Nắm được tâm lý đó, nhiều đối tượng xe ôm, trong đó có cả người nghiện, đã lợi dụng để kéo khách đến các phòng khám tư ngay gần BV.
Thượng tá Vũ Văn Hiển, Phó Công an phường 6 thừa nhận những giải pháp hiện nay chưa phát huy được tác dụng, "Chúng tôi đã ra quân dẹp nhiều lần trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể dẹp được. Cái khó là luật pháp không có điều khoản nào quy định xử lý "cò", có chăng lực lượng chức năng chỉ phạt họ vì tội gây rối trật tự công cộng". Theo ông Vũ Văn Hiển, thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã không ít lần phối hợp với công an để tìm hiểu, nhận diện các "cò" nhưng không xử lý được bởi các phòng khám nhận bệnh nhân do "cò" đưa đến không mắc sai phạm gì.
"Giải pháp tốt nhất có thể dẹp nạn cò mồi lộng hành là các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc quyết liệt cùng với chính quyền địa phương nhằm giúp người dân hiểu rõ hành vi lừa đảo này. BV có đủ bác sĩ phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất. Tôi rất mong các bệnh nhân đến khám vào thẳng BV, không tin vào những lời dụ dỗ của "cò" - BS Vũ Hồng Thái nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.