Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác phẩm lớn vẫn ở trong đời sống

Người Lái Đò| 12/01/2014 06:16

(HNM) - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013 vừa được trao cho tác giả Nguyễn Trí, người được báo chí gọi là "anh thợ đãi vàng". Mà rõ là tác giả này đã từng kinh qua đủ nghề "đãi vàng, khai thác đá quý và trầm hương, mổ lợn, xe ôm…", trừ nghề viết văn. Một hiện tượng chăng, hay là sự động viên của Hội?

Lại nhớ đến giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2011-2013 (tờ báo văn nghệ lớn nhất, uy tín nhất cả nước) cũng thuộc về một công nhân, chưa được đào tạo bài bản về viết văn gì cả. Không hẳn là các nhà văn đều được đào tạo, nhưng rõ ràng, với xuất thân lao động chân tay thì cơ hội tiếp xúc, theo đuổi văn chương của Nguyễn Trí, Lê Thanh Kỳ hay nhiều "tay ngang" đặc biệt khác sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Đọc tác phẩm của Nguyễn Trí, có một cái gì đó thật đặc biệt, xuất chúng thì chưa, nhưng rõ là văn chương "có giọng" và đời sống thì cứ chồng lớp ngỡ ngàng hết trang viết này đến trang viết khác. Hay với anh thợ hàn Lê Thanh Kỳ, những ngày rong ruổi khắp các khu công nghiệp để bóc tách đời sống người công nhân trong thời đại hôm nay đã được "chưng cất" để đi vào trang viết. Điểm chung nhất giữa họ là ngoài việc yêu văn chương, có khiếu với văn chương thì những trải nghiệm máu thịt ít người có được của họ đã làm nên sức sống cho câu chuyện.

Vậy là lại phải nhắc đến hàng loạt hội thảo quy mô toàn quốc với vấn đề "văn học phản ánh hiện thực hôm nay", trong đó có nỗi lo "đứt gãy" mối liên hệ giữa nhà văn và đời sống… Thì đây, câu trả lời từ hai tác giả trên đã cho thấy rõ là hãy "sống" đã rồi hãy viết! Nó cũng đúng như tinh thần của tiểu luận và bút ký về nghề văn mang tên "Phút giây huyền diệu" của Ma Văn Kháng - một tác phẩm cũng đoạt giải văn xuôi của Hội Nhà văn trong năm 2013.

Đã hiển nhiên như thế thì tưởng chả có gì phải bàn nữa. Nhưng, thực tế văn chương lại không vậy. Có những nhà văn rất ồn ào, như văn giới nói vui là chỉ thấy tên chứ không thấy tác phẩm. Mạng internet cho người ta cơ hội giao lưu với bạn đọc nhiều hơn nhưng lại gây ra những ảo tưởng về nhà văn "nông nổi".

Và, cũng bởi vậy nên câu hỏi về tác phẩm lớn thường vang lên trên khắp các diễn đàn văn học cũng là lẽ đương nhiên. Vì tác phẩm lớn đúng nghĩa vẫn luôn còn đang ở đâu đó trong đời sống...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tác phẩm lớn vẫn ở trong đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.