(HNM) - Nhà hát Tuồng Việt Nam đã dàn dựng xong và cho công diễn vở tuồng
Thân Cảnh Phúc được mệnh danh là "Phò mã áo chàm", là chúa động Giáp - vùng biên cương rộng lớn của Tổ quốc. Ông kết hôn với công chúa Thiên Thành, là con vua Lý Thánh Tông (thế kỷ XI), góp phần giữ mối đoàn kết gắn bó lâu bền, có nhiều công lao trong việc đánh đuổi giặc nhà Tống và xây dựng đất nước.
Cảnh trong vở tuồng “Phò mã Thân Cảnh Phúc”. |
Vở tuồng mô tả cuộc đời và sự nghiệp của phò mã Thân Cảnh Phúc, trong đó xoáy sâu vào những tình huống éo le khi tên gián điệp phương Bắc Triệu Đạt bày mưu phá hoại cuộc sống gia đình phò mã bằng cách mua chuộc nhiều tướng lĩnh biên ải, nhưng Thân Cảnh Phúc vẫn kiên định mục tiêu đoàn kết các dân tộc, đánh đuổi quân thù, quyết giữ bờ cõi.
Nhân vật Thân Cảnh Phúc do NSƯT Xuân Quý đóng. Với dáng người cao ráo, khuôn mặt linh lợi, ánh mắt sáng long lanh, thể hiện rõ tính cách của phò mã. Suốt vở diễn, Xuân Quý múa bộ mềm mại, uyển chuyển, có hồn, lại xử lý đài từ chuẩn mực. Như cảnh bị Triệu Đạt gieo rắc sự nghi kỵ với công chúa vợ mình. Sự nghi ngờ đối với các kỳ mục - già làng, nhân vật Thân Cảnh Phúc của Xuân Quý đã hát câu xướng thật hay, miêu tả tâm trạng giày vò, rối bời: "Trong lòng ta đang như cánh rừng bốc cháy/Trong đầu ta như dông bão quay cuồng". Khi phò mã nghe tin vợ con bị bắt, Xuân Quý diễn thật ấn tượng: Đứng chết lặng hồi lâu, sau đứng một chân, tiến dần ra giữa sân khấu và câu cảm thán: "Núi đổ rừng nghiêng trời đất sập/Hờn căm chồng chất thác trào dâng", làm cho khán giả thổn thức thương xót.
Một vai diễn khá ấn tượng trong vở tuồng là Giáp Nương - do NSƯT Bích Tần đóng. Giáp Nương si mê chúa động Thân Cảnh Phúc nhưng không được đáp lại. Bị thất tình, bị bọn gian xúi giục, gieo rắc hiềm khích, nàng lao xuống hồ nước thiêng tự vẫn. Nhưng, khi được cứu sống, nhận ra sai trái, trắng đen, Giáp Nương đã cùng dân bản quyết chống xâm lược. Giáp Nương một mình dò lần vào trại giặc để cứu mẹ con công chúa. Khi bị Triệu Đạt đâm chết, lúc hấp hối, nghe Bích Tần hát như cào xé tâm can: "Em chẳng trách chàng không cưới em làm vợ/Chỉ trách trời sao chẳng nỡ se duyên".
Nghệ sĩ Kiều Oanh vào vai công chúa, có giọng hát rất duyên, cách thể hiện tâm trạng biến chuyển của công chúa linh hoạt, mạnh mẽ mà vẫn giữ được nét đoan trang, hiền hậu. Nhất là những chi tiết công chúa bị chồng nghi kỵ ghẻ lạnh, bị dân bản xua đuổi, hắt hủi. Và cảnh Giáp Nương bế con của công chúa định trốn, bị Triệu Đạt đâm chết, Kiều Oanh diễn khá xuất thần. Vai Lý Thường Kiệt của NSƯT Văn Thủy cũng làm bật lên tư thế vị tướng trụ cột của muôn dân, biết nhìn xa, trông rộng. Vai phản diện Triệu Đạt do NSƯT Hán Tình thể hiện, khó chê ở điểm gì. Khả năng biến hóa, bộc lộ sự nham hiểm của nghệ sĩ đáng được khâm phục.
Đạo diễn Hoàng Khiềm đã rất kỹ lưỡng khi dựng vở, khai thác tốt tâm lý nhân vật. Hoàng Khiềm dựng nhiều cảnh diễn tập thể trang nghiêm, gây xúc động, như cảnh Giáp Nương hấp hối, Thân Cảnh Phúc và công chúa chết lặng hồi lâu khiến nhiều người rớt nước mắt. Hay cảnh bốn ông kỳ mục, do các nghệ sĩ Đức Mạnh, Hồng Sáu, Quang Cường, Đình Nam diễn, có tâm trạng trái ngược nhau khi tra vấn thân phận công chúa. Đặc biệt, đạo diễn còn dùng nhiều lớp múa, điệu nhảy đậm nét vùng núi biên ải. Những nhạc cụ dân tộc như thân tre, sáo trúc, đàn tính được diễn viên sử dụng thành thạo.
Chỉ tiếc còn một số chỗ xử lý thừa, diễn biến chậm khiến vở diễn kéo dài tới 2 giờ rưỡi. Như cảnh ba cô gái đố vui tên si tình, các kỳ mục giải thích phong tục lấy vợ lấy chồng. Về kịch bản, sự kiện Giáp Nương bị tên Lú, tên Kè rủ đi chỗ khác để nói chuyện xấu, rồi nàng lao xuống hồ thiêng tự vẫn, sau được cứu sống, nàng nhận ra lỗi lầm… đều không được diễn, tất cả chỉ là tin báo. Như vậy, cái lý của vở tuồng không chắc, khiên cưỡng.
Mấy chục năm nay, ca kịch dân tộc như tuồng, chèo, cải lương dựng nhiều vở quy mô, lộng lẫy, đạt nhiều huy chương nhưng đời sống của vở không được dài. Lý do là bởi trang thiết bị cồng kềnh, phức tạp, chỉ thuận lợi diễn ở rạp, khó diễn lưu động. "Phò mã Thân Cảnh Phúc" thì khác, dễ dàng tới nông thôn, miền xa. Ngoài những suất diễn từ trung tuần tháng 4 tại các quận, huyện vừa qua, dự kiến tác phẩm sẽ phục vụ khán giả huyện Mê Linh - Hà Nội vào tối ngày mai, 1-5.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.