Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác hại của việc lạm dụng thực phẩm chứa nhiều muối

Minh Châu| 28/08/2021 14:22

(HNMCT) - Mùa dịch, các gia đình sử dụng thực phẩm chế biến sẵn nhiều hơn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ vì thực phẩm chế biến sẵn thường chứa lượng muối cao, tác động xấu tới sức khỏe người dùng.

Cần giảm lượng muối trong các bữa ăn.

Nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm

Những ngày giãn cách, ngại đi chợ nên chị Nguyễn Bích Hạnh, Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, mua nhiều thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, xúc xích, thịt hộp, bơ, phô mai, kim chi, dưa chuột muối... về dự trữ. “Bọn trẻ nhà tôi thích ăn các loại thực phẩm này kèm với bánh mỳ. Hai vợ chồng tôi và bố mẹ chồng thì thường xuyên ăn thực phẩm lên men như dưa, cà muối...", chị Hạnh kể.

Nhiều gia đình trẻ khác cũng ưa thích thực phẩm chế biến sẵn do tính tiện dụng, "lạ miệng". Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn với lượng muối cao hoặc thói quen nấu ăn nhiều muối sẽ gây tác hại cho cơ thể, đây được xem là nguyên nhân gây nhiều bệnh mạn tính. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối/ngày -  cao gấp đôi so với khuyến cáo.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho hay, chế độ ăn mặn làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này, dẫn tới suy tim, suy thận. Đối với những người đã mắc bệnh về huyết áp, tim, gan, thận, nếu ăn thực phẩm chứa nhiều muối thì bệnh tiến triển nhanh hơn. Ngoài ra, việc ăn thừa muối làm tăng nguy cơ béo phì, tăng tình trạng giữ nước và phù, đặc biệt là ở bệnh nhân suy tim, xơ gan. Thừa muối cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Dù có nhiều tác hại như vậy song đa số người dân còn chủ quan, nhiều người không ý thức được việc ăn mặn gây hại cho sức khỏe.

Tiết chế lượng muối sử dụng

Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam đã có nhiều biện pháp để giảm tình trạng sử dụng muối quá mức. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025, đề ra chỉ tiêu giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày vào năm 2025.

Tiếp theo, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, đề ra chỉ tiêu giảm mức tiêu thụ muối trung bình còn <7g/người/ngày vào năm 2030. Cùng năm, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018 - 2025. Theo đó, ngành Y tế kêu gọi mỗi người dân giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày để phòng, chống bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Có 3 biện pháp chính để giảm ăn muối, đó là: Giảm lượng muối và gia vị mặn khi chế biến thức ăn; chấm nhẹ tay - hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn; giảm ngay đồ mặn - hạn chế sử dụng thực phẩm có nhiều muối.
Một số chuyên gia cũng khuyến cáo, nguyên tắc giảm muối là giảm từ từ, không giảm đột ngột, tránh làm ảnh hưởng đến vị giác. Ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mỳ ăn liền, bim bim...

Về chọn cách chế biến món ăn, theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, người dân nên chế biến món luộc, hấp thay vì món kho, rim, rang... để làm giảm lượng muối ăn vào hằng ngày. Người dân nên tự nấu ăn ở nhà để chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào một cách tốt nhất. Cần hạn chế việc chấm nước mắm, bột canh. Tốt nhất, nên dùng các loại nước chấm pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng vị giác, bù cho vị mặn bị bớt đi. Ngoài ra, nên sử dụng muối và bột canh có chứa iốt để phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ và các rối loạn khác do thiếu iốt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tác hại của việc lạm dụng thực phẩm chứa nhiều muối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.