Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác động không nhỏ vào tâm lý thị trường

Quỳnh Chi| 15/01/2015 06:50

(HNM) - Ngày 14-1, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã tuyên bố từ chức. Đây không phải là động thái bất ngờ đối với đất nước hình chiếc ủng vì nhà lãnh đạo đã 89 tuổi này đã có kế hoạch nghỉ hưu từ vài năm trước nhưng sự vắng mặt của người chèo lái đất nước


Mặc dù theo Hiến pháp Italia, chức vụ Tổng thống phần nhiều mang ý nghĩa lễ nghi, tuy nhiên, điều này dường như không đúng đối với trường hợp của ông Giorgio Napolitano. Cầm quyền từ năm 2006, chính khách lão luyện này đã tạo được vị thế nhờ uy tín cá nhân được toàn thể giới chính trị và người dân thừa nhận. Vai trò quan trọng của ông được khẳng định trong thời kỳ giữa tháng 11-2011, khi nền kinh tế Italia đang đứng bên bờ vực khủng hoảng. Trong lúc Chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi sụp đổ do mất uy tín trầm trọng, Tổng thống Giorgio Napolitano phải đứng trước nhiều chọn lựa khó khăn, từ việc giải tán Quốc hội đến việc thành lập một chính phủ mới. Ông G.Napolitano đã quyết định không mở cuộc bầu cử và bổ nhiệm cựu ủy viên Châu Âu Mario Monti làm Thủ tướng của một chính phủ kỹ trị. Với động thái quyết đoán đó, thị trường đã được trấn an, hàng loạt chính sách cải cách kinh tế được phê chuẩn, nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực từng bước ổn định. Trên thực tế, Tổng thống G.Napolitano đã có ý định rút lui khỏi chính trường sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 2013, tuy nhiên, ông đã phải miễn cưỡng chấp nhận đảm đương nhiệm kỳ thứ hai vì các đảng phái trong Quốc hội không tìm được ứng cử viên xứng đáng thay thế.

Sau khi Tổng thống G.Napolitano từ chức, Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí này cho đến khi Tổng thống mới được bầu. Trong vòng 15 ngày, Quốc hội và 58 đại biểu khu vực phải lựa chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, "cái bóng" quá lớn của ông G.Napolitano cũng tạo một áp lực không nhỏ đối với Thủ tướng Matteo Renzi trong việc tìm ra người phù hợp thay thế Tổng thống. Trong bối cảnh sự chia rẽ đảng phái tại Quốc hội ngày càng sâu sắc, người kế nhiệm Tổng thống G.Napolitano vừa phải giành được sự ủng hộ cao của các đảng phái, vừa phải là chỗ dựa vững chắc cho Thủ tướng Matteo Renzi nhằm bảo đảm quá trình cải cách đi đúng hướng.

Hiện tại, danh sách ứng cử viên vào chức vụ tổng thống vẫn còn rất mơ hồ. Các nhà phân tích cho rằng 2 người được cho là ứng cử viên tiềm tàng là cựu Thủ tướng Romano Prodi và Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu Mario Draghi vẫn chưa phải là những gương mặt nổi trội. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2013, ông Romano Prodi chỉ giành được 395 phiếu, tức thiếu 100 phiếu đại cử tri sau 4 vòng bỏ phiếu. Vì vậy, không nhiều người kỳ vọng vào việc chính trị gia 75 tuổi này sẽ tạo được bước đột phá. Còn ông Mario Draghi, trong một cuộc trả lời báo chí gần đây nhất, đã bày tỏ ý định không muốn tham gia "đường đua" vào chức vụ Tổng thống Italia.

Theo số liệu mới công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế Italia sẽ tiếp tục trì trệ với mức tăng trưởng 0% tính đến năm 2016. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia năm 2014 đã giảm khoảng 0,4% và chỉ có thể đạt mức tăng trưởng tượng trưng 0,1% vào năm nay. Bên cạnh xuất khẩu trì trệ, việc chậm trễ trong triển khai các cải cách về cơ chế tại Italia cũng đã làm mất lòng tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Chưa tính tới việc dừng tăng lương đang tiếp tục kìm hãm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trước viễn cảnh kinh tế không mấy sáng sủa, Thủ tướng M.Renzi đang tích cực vận động cho kế hoạch cải cách trên khắp các vùng miền của Italia; đồng thời đẩy mạnh cải cách trên thị trường lao động và thúc đẩy đầu tư ở quy mô Châu Âu. Dư luận Italia lo ngại, bế tắc trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường, tạo thêm rào cản cho quá trình phục hồi đang mong manh ở đất nước bên bờ Địa Trung Hải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác động không nhỏ vào tâm lý thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.