Quân nhân Nhật Bản ở lại trong rừng sau Thế chiến 2 gần ba thập niên vì 'không chịu đầu hàng', ông Hiroo Onoda vừa qua đời, thọ 91 tuổi.
|
Câu chuyện về viên trung uý quân báo của quân đội Nhật Hoàng được lan truyền khắp thế giới khi ông chỉ chịu rời rừng rậm năm 1974 dù Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh vào năm 1945.
Vừa qua đời ở Tokyo, ông Hiroo Onoda tham gia cuộc chiến ở vùng Thái Bình Dương và cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc, ông vẫn ở lại hòn đảo gần Luzon, Philippines vì không tin là chiến tranh đã kết thúc.
Cho đến năm 1974 người địa phương phải mời vị cựu chỉ huy đơn vị của ông bay tới và vào rừng gọi ông ra. Trong gần 30 năm sau chiến tranh, ông cùng ba đồng đội khác tiếp tục 'chiến đấu' trên đảo Lubang.
Ông Onoda thị sát các cơ sở quân sự và đôi khi giao tranh với người địa phương.
Trong số ba đồng ngũ, một người sau đó bỏ ra khỏi rừng năm 1950, hai người khác qua đời, trong đó một người vì chạm súng với quân địa phương năm 1972.
Ông Onoda đã không nghe lời kêu gọi rời rừng sâu kể cả khi chính phủ Nhật cho thả truyền đơn xuống khu vực ông trú ẩn.Ông nghĩ rằng đó chỉ là mưu kế của người Mỹ nhằm đánh lừa ông.
Vào tháng 3/1974, vị chỉ huy trực tiếp cũ của ông được đưa sang Philippines để trực tiếp uyên bố hủy quân lệnh ban đầu với ông.
Mặc bộ quân phục tơi tả, ông Onoda đã chào lá cờ Nhật và trao lại cho chính quyền Philippines thanh kiếm võ sỹ đạo trong một buổi lễ. Khi về nước, ông được đón ở Tokyo như người anh hùng.
Tuy thế, ông không thích ứng được với cuộc sống thời bình ở Nhật Bản và đã di cư sang Brazil năm 1975. Năm 1984, ông Onoda trở lại Nhật để hoạt động từ thiện, mở các trại hè cho trẻ em.
Hiroo Onoda không phải là chiến binh Nhật đầu tiên không đầu hàng sau Thế chiến 2. Một quân nhân Nhật khác, ông Shoichi Yokoi vẫn cầm cự trên đảo Guam cho đến năm 1972.
Thậm chí hồi năm 2005 có tin đồn hai quân nhân Nhật vẫn sống trong rừng ở đảo Mindanao, Philippines và không rời vị trị́ vì sợ bị tử hình theo luật của đế quốc Nhật hồi Thế chiến với quân đào ngũ.
Tuy nhiên tin đồn này sau bị bác bỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.