(HNM) - Chỉ sau một thời gian ngắn, những tuyến xe buýt mới mở ra các huyện ngoại thành đã hoạt động ổn định, sản lượng hành khách tăng dần. Các tuyến xe buýt ngoại thành còn góp phần quan trọng hạn chế áp lực cho giao thông nội đô.
Xóa “vùng trắng” xe buýt có trợ giá
Tuyến buýt 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn) phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Mạnh Hà |
Tháng 8-2017, Sở GT-VT Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) khai trương 5 tuyến buýt mới theo đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025". Trong số này có 3 tuyến kết nối với các huyện ngoại thành, gồm: Tuyến số 101 (Bến xe Giáp Bát - Vân Đình), 102 (Bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình), 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn). Và với ba tuyến buýt mới này đã vươn tới hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, những địa phương cuối cùng trong số 30 quận, huyện của TP Hà Nội được sử dụng dịch vụ xe buýt chất lượng cao có trợ giá.
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Transerco cho biết, việc mở mới các tuyến buýt trong năm 2017 đã góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng buýt, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân các khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, được nhân dân và chính quyền các địa phương có tuyến buýt đi qua đánh giá cao. Các chỉ tiêu về chuyến lượt, chất lượng dịch vụ được bảo đảm, sản lượng hành khách tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Trong đó nổi bật nhất phải kể tới tuyến số 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn) có điểm cuối đặt tại Khu di tích danh thắng chùa Hương của huyện Mỹ Đức. Tính đến ngày 16-12, sau khoảng 4 tháng hoạt động, tuyến 103 có khách vé lượt bình quân đạt trên 30 khách/lượt xe, khá cao so với các tuyến buýt truyền thống hiện nay; tuyến 101 (Bến xe Giáp Bát - Vân Đình) có khách vé lượt bình quân 20 khách/lượt xe (khách vé lượt bình quân toàn mạng chỉ đạt 15,2 khách/lượt xe).
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) đánh giá, điều tích cực nhất là việc mở mới thêm các tuyến buýt ngoại thành trong năm 2017 đã xóa “vùng trắng” xe buýt có trợ giá. Các tuyến đều đã tiếp cận được ngay với nhu cầu của hành khách. Trước đây, một số huyện ngoại thành cũng đã có xe buýt hoạt động nhưng chủ yếu là tuyến không trợ giá của tỉnh Hà Tây (cũ). Đặc thù của tuyến không trợ giá là quản lý của doanh nghiệp theo hướng lấy thu bù chi nên dịch vụ không được như tuyến trợ giá.
Qua khảo sát của Sở GT-VT và Tổng công ty Transerco, không chỉ vé lượt, lượng vé tháng trên các tuyến mới tăng nhanh, đặc biệt là vé tháng liên tuyến cho thấy hành khách ở các khu vực ngoại thành đã tham gia nhiều hơn vào mạng lưới xe buýt của thành phố.
Bà Nguyễn Thị Tuyên (trú tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai), một hành khách đi xe nhận xét: “Tôi thường xuyên ra thăm con gái và cháu ngoại ở Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) bằng xe buýt tuyến 103. Xe buýt mới, chất lượng dịch vụ tốt mà giá chỉ 9.000 đồng/lượt, rẻ hơn một nửa so với xe buýt trước đây.
Xe dừng, đỗ đúng điểm, đúng bến, thái độ lái xe văn minh, lịch sự. Nhưng tần suất 20-30 phút/chuyến là hơi thưa, nên có những lúc phải đợi lâu”.
Một ý nghĩa nữa là trước đây buýt không trợ giá chưa đáp ứng được nên nhiều học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp đi xe máy từ ngoại thành vào, thậm chí lưu trú luôn trong nội thành. Nếu buýt trợ giá hấp dẫn thì người dân có thể đi - về ngay trong ngày, vừa giảm áp lực giao thông, vừa giảm áp lực về lưu trú khu vực nội thành.
Tiếp tục phải điều chỉnh
Các tuyến xe buýt ngoại thành từng bước phát huy hiệu quả, trong khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao đang đặt ra cho Sở GT-VT Hà Nội và Tổng công ty Transerco những yêu cầu mới.
Ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định, bước đầu là tích cực, nhu cầu của người dân dọc các hành lang tuyến tăng lên đòi hỏi phải tiếp tục có những bước điều chỉnh như: Rà soát lại các vị trí tiếp cận, điểm dừng đỗ chưa hợp lý; củng cố lại hạ tầng cho xe buýt; lập thêm các điểm bán vé ở khu vực ngoại thành để người dân dễ tiếp cận. Qua khảo sát, vẫn có một bộ phận người dân chưa biết đến dịch vụ này nên công tác thông tin tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.
Hiện mới cung cấp dịch vụ tối thiểu, khi nhu cầu tăng thì cũng phải nâng cấp dịch vụ, tăng tần suất. Tuy nhiên, việc tăng tần suất cho các khu vực ngoại thành sẽ khác so với khu vực nội thành bởi quy luật đi lại của hành khách khác nhau. Phải thông qua thời gian hoạt động để nắm được quy luật đi lại của người dân dọc hành lang hay đi - về giờ nào để điều chỉnh, mở rộng khung giờ mở - đóng bến cho phù hợp. Chỗ nào cần thì tăng tần suất vào các khung giờ hợp lý. Chỗ nào không cần thì phải giảm dịch vụ.
Đại diện Tổng công ty Transerco cho biết sẽ tiếp tục tập trung tăng cường công tác kiểm soát điều hành và giám sát chất lượng dịch vụ theo đúng các chỉ tiêu yêu cầu; cung cấp các dịch vụ tiện ích nhằm giúp hành khách dễ dàng tra cứu thông tin, tìm tuyến buýt theo lộ trình phù hợp và theo dõi xe trực tuyến. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở GT-VT Hà Nội trong việc rà soát, nghiên cứu điều chỉnh tần suất, hợp lý hóa toàn mạng lưới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.