Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống nghề thêu Hà Nội

Minh Phú| 31/10/2011 07:03

(HNM) - Ra đời từ khoảng cuối thế kỷ XVII, nghề thêu nhanh chóng phát triển ở kinh thành Thăng Long. Trải qua bao thăng trầm, nghề thêu thùa vẫn âm thầm sống để rồi khi có điều kiện lại bùng lên hưng thịnh.


Về "đất tổ" nghề thêu

Nghề thêu có ở nhiều nơi nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng ở làng Quất Động (xã Quất Động, Thường Tín). Theo gia phả còn lưu giữ, cụ Lê Công Hành sống vào khoảng thế kỷ XVII, trong một lần đi sứ đã học được nghề thêu và truyền dạy cho dân làng Quất Động. Từ đó, cụ được tôn là Tổ nghề thêu. Vào ngày 12 tháng Sáu âm lịch hằng năm, ngày mất của ông, dân làng thường tổ chức lễ giỗ Tổ nghề.


Hiện nay, thợ thêu các làng trong xã Quất Động vẫn giữ được nét tài hoa và nghệ thuật thêu tinh xảo của cha ông. Theo ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Quất Động, cả 8 thôn trong xã đều được công nhận làng nghề từ năm 2002. Nghề thêu đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu nhập chiếm 50% tổng thu nhập bình quân toàn xã. Ông Nguyễn Quốc Sự, một nghệ nhân có tiếng cho biết, ở Quất Động, nhiều gia đình có tới năm, bảy đời gắn bó với cây kim, sợi chỉ. Thông thường từ nhỏ, các em bé đã được cha mẹ làm cho những chiếc khung thêu nhỏ, mấy cái đê, kim khâu, vải vụn… để học thêu. Lớn lên, con trẻ có thể kiếm được tiền giúp đỡ gia đình, sau đó nhiều người đã trở thành thợ thêu chuyên nghiệp, nghệ nhân tài hoa. Ngày nay, ở Quất Động có nhiều xưởng thêu, lớn thì có tới cả 100 tay kim, nhỏ cũng có từ 15-30 tay kim.

Theo Hiệp hội Thêu ren Hà Nội, ngoài xã Quất Động, ở huyện Thường Tín còn nhiều xã khác cũng đang phát triển rất tốt nghề thêu như xã Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Dũng Tiến… Những năm gần đây, nghề thêu còn nhân rộng ra nhiều địa phương khác như Bột Xuyên, Tuy Lai, An Mỹ (huyện Mỹ Đức), thôn Yên Cốc (xã Hồng Phong - Chương Mỹ). Các sản phẩm thêu ngày càng đa dạng, phong phú như thêu tranh, thêu chăn, ga, gối; thêu phục chế mẫu cổ, thêu quần áo thời trang, thêu cờ, phướn, thêu đính cườm, thêu truyền thần... Tuy là nghề phụ nhưng thêu đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, mức thu nhập bình quân hiện nay khoảng 70 nghìn đồng/người/ngày đối với thợ thêu trung bình và 200-300 nghìn đồng/người/ngày đối với các nghệ nhân, thợ giỏi chuyên làm hàng tinh xảo.

Hỗ trợ nghề thêu


Mặc dù có giá trị cao về kinh tế, văn hóa... nhưng cũng như nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ khác, những năm gần đây, nghề thêu phải đối mặt với không ít khó khăn. Ông Mai Văn Hưởng, Chủ tịch Hiệp hội Thêu ren Hà Nội cho biết, nghề thêu đã sa sút do ngày công lao động của nghề này thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nghề khác. Đơn cử như tại xã Lê Lợi (Thường Tín), có chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ hoạt động sôi động nên nhiều hộ làm thêu đã bỏ nghề quay sang buôn gà, vịt thu nhập cao hơn. Những hộ không buôn hàng thì làm khuân vác, vặt lông gà, lông vịt thuê ngày công cũng đạt hơn 100 nghìn đồng/người/ngày. Không chỉ mất lao động, hầu hết các DN, chủ cơ sở sản xuất hàng thêu đều thiếu vốn nên không dự trữ được nguyên liệu. Giá nguyên vật liệu ngày càng tăng trong khi đơn hàng xuất khẩu ký từ đầu năm nên DN sản xuất thua lỗ. Tại xã Lê Lợi, cách đây khoảng 3-4 năm, cả xã có 70% số hộ làm thêu, nay chỉ còn 10-15%. Theo anh Đào Văn Tin, chủ cơ sở thêu tay Vân Tin, xã Thắng Lợi (Thường Tín), thị trường tranh thêu năm nay trầm hơn mọi năm; trong khi, nguyên liệu như chỉ, vải đều tăng gấp đôi, cơ sở phải cắt giảm lợi nhuận để bán được hàng.

Bà Phạm Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) cho biết, trước những khó khăn mà nhiều làng thêu đang gặp phải, trong hai năm 2010-2011, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương mở 10 lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 500 lao động; 1 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ về xuất khẩu sản phẩm cho các chủ DN, cơ sở sản xuất. Ngoài ra, Trung tâm đã hỗ trợ hai dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào một số khâu trong quy trình sản xuất hàng thêu; hỗ trợ 10 DN, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm. Cũng theo bà Hạnh, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ nhóm nghề này xúc tiến thương mại, tập huấn nhân cấy nghề, nâng cao tay nghề, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đặc biệt, tháng 12 tới, Trung tâm dự kiến tổ chức "Tuần lễ trưng bày sản phẩm thêu" tại Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề số 176 Quang Trung - Hà Đông nhằm quảng bá, giới thiệu về tinh hoa nghề thêu Thăng Long và các sản phẩm đặc sắc của làng nghề; kích cầu tiêu thụ sản phẩm nhân dịp đón năm mới 2012. Tuần lễ dự kiến sẽ thu hút 30 DN, cơ sở sản xuất tại các làng nghề thêu tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống nghề thêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.