(HNM) - Đó là tất cả những gì vừa được thể hiện qua lá phiếu của từng thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vào đêm 9-6 (giờ Hà Nội), về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Với 12 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 1 phiếu trắng, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết lần thứ tư áp đặt trừng phạt đối với Iran. Đây là cuộc trừng phạt được xem là cứng rắn nhất từ trước tới nay với Iran do chương trình hạt nhân của nước này. Theo đó, Iran bị cấm theo đuổi mọi hoạt động liên quan tới tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân; không được đầu tư vào các hoạt động như: khai thác urani, cấm mua 8 loại vũ khí hạng nặng trong đó có máy bay trực thăng chiến đấu, tên lửa, xe tăng, xe bọc thép; đồng thời, mọi tàu thuyền của Iran đều có thể bị kiểm tra trên khắp các đại dương... Nghị quyết cũng đưa thêm 40 thực thể vào danh sách những cá nhân và tổ chức bị phong tỏa tài sản và bị hạn chế đi lại; trong đó có Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Javad Rahiqi; hối thúc các nước không cấp phép cho các ngân hàng Iran hoạt động trên lãnh thổ nước mình cũng như đình chỉ mọi hoạt động giao dịch tài chính liên quan tới chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Tehran…
Lệnh trừng phạt mới với Iran vừa được HĐBA LHQ thông qua thật không dễ dàng. Trong khi 3 nghị quyết trừng phạt trước đó vẫn còn hiệu lực cho thấy, các áp đặt lệnh trừng phạt xem ra không dễ gì giải quyết được tận gốc chương trình hạt nhân của Iran đang tiến đến một cuộc khủng hoảng có thật. Đã có lúc cộng đồng quốc tế hy vọng các tranh cãi về hạt nhân Iran sẽ được giải quyết thông qua thương lượng và kênh ngoại giao. Các trao đổi sau nhiều vòng tham vấn tại New York kéo dài từ tháng 4-2010 đến nay về dự thảo nghị quyết trừng phạt Iran do Wahsington đề xuất với 5 nước còn lại trong Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức) cho thấy điều đó. Thế nhưng, tất cả đã không thành và thế giới đang chứng kiến một vòng xoáy mới về chương trình hạt nhân của Iran vừa bước vào điểm xuất phát mới với những diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, ngay cả khi một lệnh trừng phạt mới vừa được thông qua, "cửa mở" trong nghị quyết cũng là điểm mấu chốt được HĐBA LHQ khẳng định. Trước hết, lệnh trừng phạt mới không đồng nghĩa với chấm dứt các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran; đồng thời các biện pháp trừng phạt mới cũng không nhằm gây tổn hại hoạt động thương mại bình thường của cộng đồng quốc tế với Tehran. Mục đích chính Nghị quyết của HĐBA LHQ là đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán, làm sáng tỏ chương trình hạt nhân của nước này và muốn Tehran hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đây chính là sáng kiến của Nga và Trung Quốc, đóng góp, sửa đổi cho bản nghị quyết dự thảo ban đầu của Wahsington, với mong muốn lãnh đạo Iran sẽ lắng nghe tiếng nói của cộng đồng quốc tế, nhằm giải quyết được vấn đề phức tạp hiện nay liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Thế giới từng chứng kiến hiểm họa, sức tàn phá ghê gớm của vũ khí hạt nhân. Do vậy, ngăn chặn phát triển loại vũ khí chết người này trở thành khát vọng của cả loài người. Sau 7 năm điều tra các hoạt động hạt nhân của Iran, IAEA vẫn chưa một lần khẳng định rằng hoạt động hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này có thực sự vì mục đích hòa bình như những gì Tehran tuyên bố hay không.
Rõ ràng, niềm tin về chương trình hạt nhân của Iran chưa được Tehran tạo dựng trong cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, quốc gia Hồi giáo này lại tiếp tục đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani gây tranh cãi bất chấp 3 lệnh trừng phạt hiện có của LHQ.
Với nghị quyết lần này, sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về ứng xử với chương trình hạt nhân của Iran đã rõ ràng. Trong đó, Nga - một quốc gia từng được Iran xem là chỗ dựa vững chắc - trước nay vẫn phản đối các biện pháp mới trừng phạt Iran, giờ cũng đã thay đổi. Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Nga D. Medvedev thừa nhận, những năm gần đây lập trường của Mátxcơva và các đối tác về vấn đề hạt nhân đã xích lại gần nhau. Sự kiện Điện Cremli đồng thuận với nghị quyết trừng phạt mới của LHQ với Tehran thể hiện quan điểm đó.
Điểm cốt lõi hiện nay là cách cảm nhận của Iran về niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với chương trình phát triển năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình của Tehran. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dư luận chưa nhìn thấy bất kỳ hy vọng nào. Ngay trước cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ, Tổng thống M. Ahmadinejad (ngày 8-6), khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn về Phối hợp hành động và các biện pháp củng cố niềm tin ở châu Á (CICA) đã tuyên bố, Iran sẽ ngừng đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này nếu HĐBA LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt mới. Xem ra, "sức nóng" liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran không thể sớm nguội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.