Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức nặng của hai tiếng "chuyên nghiệp"

Mai Thi| 03/04/2010 09:19

(HNM) - Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Thủ đô 2009 đã được công bố sáng qua (2-4) tại Liên hiệp VHNT Hà Nội với các tác phẩm tiêu biểu của 7 hội chuyên ngành, trừ Hội Kiến trúc. Đặc biệt, sau nhiều năm vắng bóng tại hai giải văn học của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam,

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương và tập thơ “Trà nguội”.


Năm 2008 đánh dấu việc tái lập Giải thưởng VHNT Thủ đô, tiếp nối truyền thống của hệ thống giải này được xác lập từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đặc biệt, đây còn là sự khẳng định của thành phố đối với vai trò của VHNT khi Giải VHNT Thủ đô trở thành giải cơ sở hằng năm trong hệ thống Giải thưởng Thăng Long của UBND thành phố (5 năm một lần).

Năm 2009 là năm thứ hai trong việc củng cố uy tín của Giải thưởng VHNT Thủ đô kể từ dấu mốc trên. Trong 3 tác phẩm đoạt giải văn học thì tiểu thuyết "Họ vẫn chưa về" (Nguyễn Thế Hùng) và tập thơ "Trà nguội" của Đặng Thị Thanh Hương tạo nên sự chú ý nhất định.

Đó là sự phát hiện và ghi nhận đối với tiểu thuyết đầu tay của cây bút chuyên viết truyện ngắn Nguyễn Thế Hùng. Chàng trai của vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh (hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội) này đã viết "Họ vẫn chưa về" từ ý tưởng truyện ngắn "Lộc trời" đã được giải.

Với tập "Trà nguội" thể hiện "tâm trạng khác nhau của người phụ nữ trong tình yêu và những khắc khoải riêng tư trên nền những mối quan tâm chung", Đặng Thị Thanh Hương đã đánh dấu sự trở lại của thơ sau 2 năm vắng bóng trong giải thưởng của hội. Mặc dù, trước đó chính yếu tố "giọng thơ nhiều nét truyền thống" và chưa có nhiều đổi mới đã khiến chị "trượt" giải Hội Nhà văn Hà Nội. Tiểu luận "Bút pháp của ham muốn" (Đỗ Lai Thúy) đoạt giải không bất ngờ khi công trình tiếp cận tác phẩm văn học bằng phương pháp phê bình phân tâm học (còn mới mẻ ở nước ta) vừa được ghi nhận tại Giải Hội Nhà văn Hà Nội.

Đối với các lĩnh vực khác như sân khấu, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian... các tác phẩm đoạt giải cũng đều đã từng được ghi nhận, được công chúng Thủ đô và cả nước biết tới như vở chèo "Oan khuất một thời", sách "Từ điển Đường phố Hà Nội", múa "Liên hoan Múa cổ Thăng Long - Hà Nội lần 3-2009", ảnh "Hành tinh xanh"... Đáng tiếc là kiến trúc đã không tìm được đại diện nào.

Giá trị giải thưởng năm nay (10 triệu đồng/giải) cao hơn năm ngoái (7 triệu đồng/giải), nhưng với các nghệ sĩ, quan trọng là niềm vui được ghi nhận, được động viên bởi một giải thưởng mang tính chất chuyên môn cao của một hội nghề nghiệp.

Trong bối cảnh xã hội hóa nhiều giải thưởng VHNT như hiện nay, có thể thấy sức nặng của yếu tố "chuyên nghiệp" cùng uy tín, sức ảnh hưởng của giải đang đặt lên vai cả BTC Giải VHNT Thủ đô cũng như người tham gia, đoạt giải.

Giải thưởng VHNT Thủ đô năm 2009

* Văn học: "Bút pháp của ham muốn" (Đỗ Lai Thúy), "Họ vẫn chưa về" (Nguyễn Thế Hùng), "Trà nguội" (Đặng Thị Thanh Hương).
* Âm nhạc: "Kim Liên - Nam trấn Thăng Long” (Đặng Nhất Mai), "Phố trong làng" (Trương Ngọc Ninh), "Mưa non" (Lê Minh).
* Nhiếp ảnh: "Sắc màu quê hương" (Văn Tuân), "Hành tinh xanh" (Đình Hà), "Việt Nam chiến thắng" (Lê Công Quang).
* Sân khấu: "Oan khuất một thời" (Nhà hát Chèo Hà Nội), "Lễ mở xiêm áo" (Nhà hát Cải lương Hà Nội), "Nàng Hến" (Nhà hát Múa rối Thăng Long).
* Mỹ thuật: "Thăng Long mùa lễ hội" (Nguyễn Ngọc Tùng), "Dấu xưa oai hùng" (Vũ Đình Tuấn).
* VNDG Hà Nội: "Từ điển Đường phố Hà Nội" (Giang Quân), "Nghệ thuật Múa rối cổ truyền đất Thăng Long" (Văn Học), "Bí mật phí sau nhục thân các vị thiền sư" (Nguyễn Lân Cường).
* Điện ảnh: "Bí mật vụ án Lệ Chi Viên" (Phạm Hằng Giang); "Thân phận và thơ" (Văn Bích Thủy).
* Múa: "Liên hoan Múa cổ Thăng Long lần 3-2009".
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức nặng của hai tiếng "chuyên nghiệp"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.