Xã hội

Sức khỏe, tiền lương, bảo hiểm là quyền lợi thiết thân của người lao động

Hà Phong 19/10/2023 - 13:11

Sáng 19-10, Báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Cầu Giấy phối hợp tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến nhằm mang đến cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn quận những thông tin liên quan đến chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe cho lao động nữ.

1910-anh.jpg
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến

Buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có sự tham gia của bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Ôxy cao áp Việt Nga.

1910-3.jpg
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thủy (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tuổi thơ) đặt câu hỏi.

Trong chương trình, các ý kiến phát biểu cho thấy, sức khỏe, tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) là những quyền lợi thiết thân, được người lao động đặc biệt quan tâm trong quá trình đi làm, tham gia quan hệ lao động. Đây cũng là mối quan tâm của người sử dụng lao động bởi lẽ, nếu đơn vị, doanh nghiệp nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động thì mới có thể động viên, giữ chân được người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trong khi đó, trên thực tế, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành chức năng lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm.

1910-2.jpg
Bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy tặng quà cho đoàn viên, người lao động trả lời đúng câu hỏi trong buổi giao lưu.

Trước băn khoăn của người lao động là giáo viên về việc tới đây sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương, theo đó, giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nữa, chuyên gia Vũ Minh Huyền lý giải, khi Nghị quyết 27 ban hành, Luật Giáo dục cũng có hiệu lực.

Thực tế, toàn bộ các phần phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp đứng lớp thì sẽ được xem xét tính toán trả thẳng vào lương và cơ bản sẽ có mục tiêu là trả lương thỏa đáng, phù hợp với giáo viên. Với trường hợp giáo viên mầm non đứng lớp lương rất thấp thì phải tăng cường tuyên truyền để giáo viên nắm được chế độ chính sách kết hợp có nhiều biện pháp hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ để các cô yên tâm công tác hơn.

Về thực trạng, người lao động khi làm việc tại nhiều công ty, đóng BHXH dựa trên hợp đồng lao động đầu tiên nhưng bảo hiểm y tế (BHYT) lại đóng dựa trên hợp đồng lao động có thu nhập cao nhất dẫn đến chồng chéo và khó khăn cho doanh nghiệp, Chuyên gia Dương Thị Minh Châu thông tin, đây chính là vướng mắc mà cơ quan bảo hiểm cũng khó thực hiện.

Thực tế là từ trước đến nay, có nhiều trường hợp người lao động tham gia nhiều hợp đồng lao động nhưng chỉ khai hợp đồng lao động đầu tiên. Hiện, cơ quan bảo hiểm đang thực hiện thu BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động vào chung một hợp đồng lao động. Về BHXH là theo nguyên tắc đóng hưởng, còn BHYT là chia sẻ rủi ro nên mức đóng BHYT cao, thấp không làm thay đổi mức hưởng BHYT, vì thế thường là đều theo hợp đồng lao động đầu tiên. Về bảo hiểm tai nạn lao động thì người lao động ký hợp đồng với đơn vị nào thì đơn vị đó phải đóng hợp đồng tai nạn lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức khỏe, tiền lương, bảo hiểm là quyền lợi thiết thân của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.