Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức khỏe răng miệng thay đổi thế nào khi chúng ta già đi?

Theo Dân trí| 10/12/2018 07:43

Tin tốt là các vấn đề nha khoa bạn có thể gặp phải khi già đi thường có thể khắc phục được miễn là bạn vẫn cam kết đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.


Chăm sóc răng miệng thường được xem là lĩnh vực của giới trẻ. Trẻ em được khuyên chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, hạn chế đồ ngọt và niềng răng trước khi vào trung học. Nhưng duy trì sức khỏe răng miệng tốt là một khía cạnh quan trọng của sức khỏe tổng thể kéo dài suốt đời. Và đối với người cao tuổi, duy trì sức khỏe răng miệng tốt có thể rất quan trọng đối với sức khỏe nói chung, chất lượng cuộc sống và lưu giữ một nụ cười đẹp.

BS. Rima B. Sehl, Khoa Răng Đại học New York cho biết: “Điều đầu tiên mà người cao tuổi cần hiểu (về việc duy trì sức khỏe răng miệng) là già đi không đồng nghĩa với móm mém. Răng bị mất vì bệnh tật, chứ không phải vì chúng ta già đi".



Sâu răng

Sâu răng thường liên quan với trẻ em, nhưng Hội Nha khoa Mỹ báo cáo rằng "nguy cơ sâu răng tăng theo tuổi". Một lý do là vì khô miệng có thể gây sâu răng và khô miệng là một tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh mạn tính liên quan đến tuổi già.

"Khi bệnh nhân bị khô miệng, nó làm tăng nguy cơ bị sâu răng và làm tăng nguy cơ các tình trạng bệnh khác như nhiễm nấm trong miệng và khó nuốt vì không có đủ nước bọt để làm mềm thức ăn".

BS. Sehl khuyên nên hỏi bác sĩ xem có bất kỳ đơn thuốc mới nào gây khô miệng hay không để có thể ngăn ngừa các vấn đề trước khi chúng bắt đầu.

Cấu trúc miệng thay đổi

Stuart Frost, bác sĩ chỉnh nha tại Mesa, Arizona giải thích rằng ngoài việc tăng nguy cơ sâu răng, viêm và nhiễm trùng, cấu trúc của miệng và răng của chúng ta có thể thay đổi khi già đi. Bởi theo thời gian, cấu trúc dưới xương của miệng và mặt có thể dịch chuyển và sự hư hỏng là một hệ quả đơn giản của trọng lực.

"Khi chúng ta già đi, trọng lực chiếm ưu thế và da trên mặt có xu hướng xệ xuống, môi trên sẽ dài hơn và cung răng của hàm trên và dưới có xu hướng chặt lại ", BS. Frost nói. "Do cung răng hẹp, răng trở nên chật chội hơn và sau đó chúng ta không có nhiều sự nâng đỡ của mặt".

Quá trình dồn ép này thường bắt đầu vào cuối độ tuổi 30 hoặc 40 và theo thời gian, nó có thể dẫn đến đau, khó vệ sinh răng và ảnh hưởng đến nụ cười.


Tụt lợi

Lý do lớn nhất gây tụt lợi là do vệ sinh răng miệng không đầy đủ. Đơn giản chỉ cần đánh răng bằng bàn chải lông mềm 2 lần một ngày và dùng chỉ nha khoa hằng ngày có thể làm giảm tình trạng này.

Bởi nếu không làm sạch răng đẩy đủ, có thể dẫn đến tích tụ cao răng dưới nướu răng, gây viêm (viêm nướu) và bệnh nướu răng (viêm nha chu).

Tụt lợi có thể gây đau và cũng là nguồn gốc của tình trạng “dài răng”.

Chăm sóc răng miệng như thế nào?

Thường xuyên đánh răng, dùng chỉ nha khoa, đi khám định kỳ, biết rõ về răng miệng của mình và những gì đang xảy ra ở đó.

Ngoài kiểm tra miệng, cả BS. Frost và Sehl đều nói rằng thường xuyên đi khám nha sĩ là cách tốt nhất để bảo vệ răng và chống lại các vấn đề liên quan đến răng miệng.

Nói đến đánh răng, "quy tắc chung là đánh răng hai lần một ngày", bà nói. "Đánh răng quan trọng nhất là vào buổi tối vì khi chúng ta ngủ, nước bọt tiết ra rất ít", vì vậy nó không thể loại bỏ vi khuẩn và mảng bám trong miệng và trên bề mặt của răng và nướu răng.

Việc làm sạch các kẽ răng thực sự quan trọng đối với sức khỏe răng miệng nói chung. Đối với hầu hết mọi người, điều này có nghĩa là dùng chỉ nha khoa, nhưng đối với một số người, tăm chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng, tăm nước, tăm nha khoa và các dụng cụ chỉ nha khoa khác có thể là cách tốt hơn để tiếp cận những chỗ khó tiếp cận này.

Nếu bạn mang răng giả, điều quan trọng là vệ sinh chúng hằng ngày, với nước rửa dành riêng cho răng giả. Tháo răng giả ra khỏi miệng ít nhất bốn giờ trong mỗi 24 giờ để giữ cho niêm mạc miệng khỏe mạnh. Tốt nhất là tháo răng giả toàn bộ hoặc một phần vào ban đêm. Và hãy chắc chắn làm theo hướng dẫn của nha sĩ để đeo và chăm sóc răng giả.

Tùy vào nguy cơ sâu răng, bổ sung thêm một sản phẩm fluorid có thể giúp duy trì sức khỏe răng miệng ở người cao tuổi. Fluorid là một khoáng chất tự nhiên giúp làm vững chắc bề mặt bên ngoài của răng và nhiều hệ thống cung cấp nước đô thị đã bổ sung fluorid vào nước để giúp chống sâu răng. Điều này mang lại cho nước máy bình thường không lọc một khía cạnh tốt hơn cho sức khỏe răng miệng so với nước đóng chai.

Chế độ ăn uống cũng là một thành phần quan trọng của sức khỏe răng miệng và sức khỏe toàn thân. "Cho dù chúng ta đang nói về sâu răng, bệnh nha chu hay ung thư miệng, hãy chú ý đến chế độ ăn. Sâu răng là bệnh đặc biệt liên quan đến đường, do đó tránh hoặc giảm thiểu đường phụ gia là rất quan trọng ở mọi lứa tuổi, nhưng khi chúng ta già đi, có một xu hướng cùng với mất răng là chế độ ăn mềm hơn, thường có nghĩa là nhiều carbonhydrat và đường.

Chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp ngăn ngừa ung thư miệng. Giống như hầu hết các loại ung thư khác, ăn nhiều trái cây và rau quả cũng giúp tránh hoặc giảm thiểu nguy cơ ung thư.

Nếu bạn hút thuốc lá hoặc uống rượu, hãy biết rằng những thói quen này cũng gây hại cho sức khỏe răng miệng. Hút thuốc gây hôi miệng, để lại những vết ố trên răng và khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang miệng và miệng họng đều sử dụng thuốc lá và nguy cơ phát triển các loại ung thư này liên quan đến thời gian hút thuốc". ACS cũng báo cáo rằng khoảng 70% bệnh nhân bị ung thư miệng là những người nghiện rượu nặng. Kết hợp rượu với thuốc lá càng làm tăng nguy cơ ung thư miệng và các ung thư liên quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức khỏe răng miệng thay đổi thế nào khi chúng ta già đi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.