(HNM) - SEA Games từ nhiều năm nay vẫn mang tiếng "hội làng", bởi những luật lệ không giống ai. Nhưng với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đây vẫn là sân chơi được coi trọng dù thể thao Việt Nam đang từng bước hướng đến ASIAD và Olympic. Đậm chất "hội làng"
Những ĐH thể thao lớn trên thế giới như Olympic và ASIAD đều có chương trình thi đấu ổn định. Việc thêm môn thi hay nội dung mới đều được cân nhắc kỹ, đáp ứng tiêu chí ngặt nghèo của Ủy ban Olympic Thế giới.
Trương Thanh Hằng (942) đang hướng tới mục tiêu đoạt chiếc vé dự Olympic 2012. |
Sân chơi ở Olympic, ASIAD không như SEA Games, nơi mỗi kỳ tổ chức lại có sự thay đổi "chóng mặt" về số môn và nội dung thi đấu. Có năm phải thay đổi do điều kiện địa lý (như Brunei, Singapore là nước nhỏ, cơ sở vật chất không đáp ứng việc tổ chức nhiều môn thi), nhưng thường là do các nước chủ nhà đều muốn chọn môn có ưu thế để đạt được thành tích cao nhất và hạn chế tối đa các môn, nội dung là thế mạnh của các đoàn khác. Nước chủ nhà nào cũng có thể thay đổi, bởi được trao quá nhiều quyền hạn trong việc xác định các môn, nội dung thi đấu. Việc nước chủ nhà giới thiệu các "đặc sản" của thể thao tạo nên sự thú vị nhất định, nhưng nếu bị lạm dụng sẽ hạn chế sự phát triển của những môn thi đấu phù hợp tiêu chí của Olympic hay ASIAD. Vị trí số 1 trên bảng xếp hạng toàn đoàn các kỳ SEA Games thay đổi liên tục, nay là Indonesia, năm sau có thể là Philippines dù trên thực tế Thái Lan mới là quốc gia có nền thể thao hùng mạnh, phát triển nhất Đông Nam Á. Ở Olympic hay ASIAD liệu có khi nào xảy chuyện động trời, như là Qatar dẫn đầu bảng tổng sắp dù họ là nước chủ nhà?
SEA Games 26, đến lượt Indonesia đăng cai và ít ai nghi ngờ vào vị trí số 1 của quốc gia này. Không quá áp đảo ở những môn Olympic nhưng với việc đưa tới 7 môn mới, lạ (lạ nhất là môn đánh bài Tây) vào chương trình thi đấu và đều là thế mạnh của thể thao nước này (với trên 100 bộ huy chương) chắc chắn Indonesia sẽ áp đảo trên đường đua tới ngôi vị số 1 SEA Games 26. Thêm môn mới (khiến chương trình thi đấu có tới 43 môn với 545 bộ huy chương) nhưng chủ nhà lại bớt khá nhiều nội dung thế mạnh của các đối thủ. Đoàn Việt Nam chịu thiệt khi bắn súng bị cắt các nội dung đồng đội, Pencak Silat không có nội dung đối kháng. Bi sắt, môn thi mà Việt Nam đã đoạt 3 HCV tại SEA Games 25, lần này cũng bị cắt nội dung 2 nam - 1 nữ, 3 nữ - những nội dung đã mang lại HCV cho Việt Nam ở kỳ trước. Bóng đá nữ còn không có trong chương trình thi đấu dù là môn Olympic và lúc nào cũng có ít nhất 4 quốc gia sẵn sàng tham gia. Bóng đá nữ "ao", đơn giản bởi trình độ đội tuyển nữ Indonesia quá kém, nếu tham dự là thua đậm, vậy nên tốt nhất là "nhấc" môn thi này ra khỏi chương trình thi đấu.
Điều lệ Đại hội cũng mang tính phong trào khi cho phép tổ chức nội dung thi đấu khi có ít nhất hai VĐV trở lên dự thi. Điều này khác hẳn các kỳ trước (quy định phải có ba VĐV dự một nội dung mới tổ chức thi đấu) và ai cũng hiểu rằng đây là cách để nước chủ nhà tổ chức các môn mới mà chỉ có họ và một nước khác "biết chơi".
Cung cách tổ chức như vậy nhưng các quốc gia trong khu vực đều chấp nhận cuộc chơi. Thế nên không lý gì SEA Games lại không được tổ chức.
Hướng đến mục tiêu Olympic
Trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, SEA Games từ vị trí quan trọng nhất đã được xác định là sân đấu chuẩn bị cho ASIAD hoặc Olympic. Tuy nhiên, SEA Games vẫn là cái đích để nhiều môn thể thao Việt Nam hướng tới khi chưa thể vươn tầm ra châu lục hay thế giới. Dù khâu tổ chức SEA Games còn nhiều bất cập nhưng đây vẫn là sân chơi đỉnh cao của một số môn. Cử tạ Việt Nam từng có Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB Olympic nhưng chưa bao giờ cử tạ Việt Nam giành ngôi đầu toàn đoàn hoặc đoạt quá 2 HCV SEA Games. Cầu lông Việt Nam có Nguyễn Tiến Minh trong Top 10 thế giới nhưng bản thân tay vợt này chưa một lần vô địch SEA Games, đơn giản là bởi những tay vợt của Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều thuộc nhóm hàng đầu thế giới mà Tiến Minh gặp họ là thua. Bóng đá nam Việt Nam chưa bao giờ vô địch SEA Games kể từ nửa thế kỷ nay... Những điều này giải thích vì sao sân chơi SEA Games vẫn có sức hấp dẫn riêng với thể thao Việt Nam bởi còn quá nhiều cái đích cần chinh phục.
Hơn nữa, dù không còn quá mặn mà với bảng thành tích ở SEA Games nhưng nếu đoàn thể thao Việt Nam chỉ xếp hạng 5 hoặc 6 tại "hội làng" thì cũng khó ăn khó nói với dư luận. Dù gì, ở nhiều môn, SEA Games vẫn là thước đo trình độ phát triển, nhất là ở những môn Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ, thể dục dụng cụ… Lãnh đạo ngành TDTT hiểu rất rõ điều này nên đã không lơ là trong việc chuẩn bị SEA Games. Taekwondo “cất” hai VĐV để chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2012, phải gọi lại cựu binh Hoài Thu (58kg nữ) - đã nghỉ thi đấu nhằm hoàn thành chỉ tiêu HCV. Thạch Kim Tuấn của đội tuyển cử tạ vừa dự Giải vô địch thế giới được gần 2 tuần đã phải tham dự SEA Games với trọng trách giành vàng… Chỉ tiêu vào nhóm dẫn đầu đã được đặt ra với khoảng 70 HCV. Nhưng lần đầu tiên kể từ năm 2003, ngành TDTT đã không dám đặt thẳng chỉ tiêu vào nhóm 3 nước dẫn đầu bởi biết rõ sự cạnh tranh quyết liệt của đoàn Malaysia, Philippines trong điều kiện chúng ta bị cắt nhiều nội dung thế mạnh.
Bởi vậy, ở kỳ SEA Games 26, và có thể là ở những SEA Games sau này, nếu Đoàn Thể thao Việt Nam có rơi ra ngoài top 3 bảng thành tích toàn đoàn, những tưởng cũng là chuyện bình thường. Miễn là các VĐV Việt Nam thi đấu thành công ở các môn, nội dung Olympic, thể hiện sự tiến bộ không ngừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.