(HNM) - Tuần qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với 14 phiếu thuận và một phiếu trắng đã thông qua Nghị quyết kéo dài hoạt động của Ủy ban chuyên gia giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran thêm một năm nữa.
Một phiếu trắng của Lebanon với tư cách Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ đã không thể ngăn cản sức ép kéo dài và ngày một gia tăng lên chương trình hạt nhân của đất nước vùng Vịnh.
Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran - một tâm điểm trong cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Iran với các nước phương Tây. |
Như vậy, lệnh trừng phạt Iran của HĐBA LHQ sẽ được kéo dài tới ngày 9-6-2012, với các chế tài như: mở rộng cấm vận vũ khí, thắt chặt rào cản về tài chính và ngăn chặn các hoạt động vận tải liên quan đến các chương trình hạt nhân nhạy cảm của Iran.
Ngay khi Nghị quyết của HĐBA LHQ được thông qua, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Lực lượng Kháng chiến Basij, Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Iran và người đứng đầu lực lượng này. Theo đó, bất cứ tài sản nào tại Mỹ hoặc do người Mỹ sở hữu hay quản lý liên quan tới các thực thể và cá nhân nêu trên đều bị phong tỏa; đồng thời các thành viên thuộc những lực lượng trên đều chịu sự trừng phạt về thị thực của Bộ Ngoại giao Mỹ… Trước đó, hồi cuối tháng 5-2011, Washington cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt 7 thực thể của Iran và những nước liên quan tới Iran, gồm Công ty PCCI của Iran, Công ty Dầu mỏ PDVSA của Venezuela, Công ty Royal Oyster Group của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Công ty Speedy Ship của UAE và Iran, Công ty Tanker Pacific của Singapore, Công ty Ofer Brothers Group của Israel và Công ty Associated Shipbroking của Monaco với lý do đã tham gia vào những hoạt động liên quan đến việc cung cấp sản phẩm dầu mỏ tinh chế, khí đốt và các sản phẩm liên quan khác cho Iran.
Như vậy, có thể thấy sức ép đang ngày một gia tăng lên đối với chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Chính sách cấm vận càng được siết chặt sau khi Tehran (ngày 8-6), thông báo trong năm nay (theo lịch của Iran sẽ kết thúc vào ngày 20-3-2012), Iran sẽ chuyển hoạt động làm giàu urani cấp độ 20% từ cơ sở ở Natanz sang Fordo, gần thành phố Qom, miền Trung nước này, dưới sự giám sát của IAEA và tăng gấp 3 lần công suất làm giàu urani 20% tại Fordo so với mức hiện nay. Động thái này được Washington xem là hành động "khiêu khích". Ngày 8-6, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Tommy Vietor, nhấn mạnh, hành động này của chính quyền Tehran không giúp xây dựng lòng tin có lợi cho Iran trong những cuộc đàm phán cũng như mục đích phát triển hạt nhân. Trong một tuyên bố trước Ban Giám đốc gồm 35 thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hungary, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), khẳng định khối 27 quốc gia này "đặc biệt quan ngại" về tuyên bố làm giàu urani của Tehran…
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, ngày một gia tăng thì động thái mới nhất tại HĐBA LHQ càng khiến vấn đề hạt nhân của Iran lâm vào bế tắc. Cho dù tuần qua, một lần nữa người đứng đầu quốc gia Hồi giáo, Tổng thống M.Ahmadinejad bày tỏ quan điểm rằng, Tehran sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một phản hồi tích cực nào từ Mỹ và EU. Tỏ ra kiên định và không lùi bước trước sức ép đang không từng gia tăng lên chương trình hạt nhân của đất nước, trong tháng 6, lần đầu tiên Iran đã đưa tàu ngầm đến Biển Đỏ nhằm khẳng định sức mạnh hải quân; đồng thời cho biết sẽ không ngừng nâng cấp các hệ thống phòng không nhằm thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực để đối phó với bất kỳ một cuộc tấn công nào có thể nổ ra.
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran đang đứng trước nhiều thử thách khó lường. Một giải pháp mới cho tất cả, theo dư luận vùng Vịnh, quả là không dễ dàng tìm kiếm trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.