Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa nói ngọng cho học sinh: Kiên trì sẽ thành công

Lâm Vũ| 25/10/2013 06:38

(HNM) - Phát âm

Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra nhiệm vụ luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm “l”, “n” đối với các huyện ngoại thành.



Nói ngọng có xu hướng lan rộng

PGS, TS Vũ Kim Bảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, nếu xem xét theo tiêu chí nói đúng với chuẩn chữ viết thì gần như cả Hà Nội không nói đúng. Chẳng hạn như "tr/ch" đọc thành "ch", "s/x" đọc thành "x". Còn nói ngọng giữa "n/l" là một vấn đề xã hội, liên quan đến địa lý. Những người dân ở vùng Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh… nói ngọng rất nhiều. Những huyện xung quanh Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là những vùng ở phía bên kia sông Hồng như Gia Lâm. Ngọng thông thường là sự rối loạn phát âm, tức là lẫn lộn giữa "n" và "l", "n" chuyển thành "l", "l" chuyển thành "n" hoặc lẫn lộn cả hai trường hợp. Điều đáng lưu ý là hiện tượng nói ngọng đang lan truyền ngày một mạnh, ngay cả học sinh nội thành cũng nói ngọng.

Nói ngọng là một hiện tượng phức tạp vì nó phá vỡ chuẩn phát âm trong tiếng Việt. Ngoại trừ việc phát âm "tr" thành "ch", "r" thành "d"… đã được chấp nhận, thì ngọng "n/l" lại gây phản cảm. Khi giao tiếp, người ta sẽ có cảm giác người nói ngọng có trình độ văn hóa thấp. Điều đáng nói là bản thân người trong vùng nói ngọng không nhận ra được vấn đề vì tất cả mọi người đều nói như vậy, kể cả thầy cô giáo nên họ cảm thấy bình thường. Chỉ khi đi ra vùng địa lý khác, người ta mới nhận ra.

Có hai nguyên nhân dẫn đến nói ngọng. Thứ nhất là về mặt nội tại cấu trúc ngôn ngữ. Hầu hết những phương ngữ Bắc bộ có xu hướng giảm bớt phụ âm đầu cho dễ đọc, chẳng hạn "tr" chuyển thành "ch", "s" chuyển thành "x", "r, gi" đọc thành "d" vì các phụ âm này có cấu âm tương đối giống nhau. Thứ hai là nguyên nhân xã hội, mang tính vùng miền. Những người trong vùng bắt chước nhau, từ nhỏ nghe người lớn nói ngọng thì tất cả cùng ngọng, ví dụ người Hải Phòng phát âm "n" thành "l", "Hà Nội" thì nói thành "Hà Lội"…

Theo các nhà ngôn ngữ, nói ngọng sẽ ảnh hưởng khá lớn đến việc học tập, giao tiếp trong xã hội, nhất là đối với những ngành nghề cần phải nói nhiều, thuyết trình nhiều, như: hướng dẫn viên du lịch, giáo viên… vì khi phát âm không đúng sẽ dễ bị người khác chê cười dẫn đến xấu hổ, mất tự tin, thậm chí ngại giao tiếp. Người nói ngọng khi học ngoại ngữ cũng phát âm sai, viết cũng sai. Việc nói ngọng cũng ảnh hưởng đến cả việc làm. Người đứng đầu cơ quan có thể không có thiện chí với người nói ngọng. Đặc biệt, với những ngành nghề liên quan đến sư phạm, văn hóa, thì chắc chắn sẽ khó chấp nhận.

Sửa không khó

Theo TS Vũ Kim Bảng, cách chữa ngọng đơn giản nhất là tách người đó ra khỏi địa phương có truyền thống nói ngọng. Chẳng hạn người nói ngọng đang ở Hưng Yên chuyển đến Hà Nội, nơi đa số người dân phân biệt phụ âm rõ ràng thì sẽ sửa được. "Thực ra có rất nhiều đề án sửa nói ngọng đã được các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng thực hiện nhưng hiệu quả không cao. Viện Ngôn ngữ học đã làm băng ghi hình kết hợp với các hình ảnh phụ họa về cách mở miệng, đặt lưỡi ra sao để dạy cho giáo viên các tỉnh này nhưng tác dụng không nhiều vì bản thân người học sửa nói ngọng vẫn ở trong vùng địa lý đó nên không cảm nhận được việc nói ngọng. Cách tốt nhất, sửa nói ngọng nhanh nhất là khi có điều kiện thì người dân nên chuyển sang vùng khác có sự phân biệt "n/l". Khi đó, trong quá trình giao tiếp trực tiếp hằng ngày người nói ngọng sẽ được nhắc nhở thường xuyên, khi cảm thấy xấu hổ vì bị nhắc nhiều thì tất nhiên ý thức sửa nói ngọng sẽ tốt lên. Và đặc biệt là ở trong môi trường giao tiếp ấy thì họ mới hết ngọng chứ còn ở trong môi trường tất cả mọi người đều nói ngọng thì rất khó" - TS Vũ Kim Bảng chia sẻ.

Các nhà ngôn ngữ cũng lưu ý thêm, đối với việc sửa ngọng, ở những vùng đang có sự giao thoa, có người ngọng người không như ngoại thành Hà Nội thì can thiệp sẽ dễ dàng hơn. Điều này hoàn toàn đúng với thực tế. Ví như, theo kết quả khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội năm học 2008-2009, có 22,27% trong số 203.832 học sinh và 11,80% trong số 10.875 giáo viên nói và viết sai phụ âm "l/n". Chính vì vậy, trong năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa vấn đề luyện phát âm, viết đúng 2 phụ âm đầu "l/n" vào triển khai thực hiện tại các trường tiểu học ở 13 huyện này. Cụ thể, Sở yêu cầu các trường tiểu học thường xuyên sửa phát âm, viết sai khi dạy tiếng Việt, đặc biệt là các phân môn tập đọc, tập viết, tập làm văn. Các trường bố trí ít nhất 1-2 tiết/tuần để luyện tập, chữa ngọng cho học sinh. Cho đến nay, kết quả của chương trình này khá tốt. Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hầu hết giáo viên trong chương trình đã sửa xong ngọng. Học sinh được sửa theo hình thức cuốn chiếu, từ lớp 1 đến lớp 3, 4, kết quả kiểm tra cho thấy, 90% các em đã hết ngọng. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc sửa ngọng ở Hà Nội không khó. Nhưng không vì thế mà các ngành liên quan ít chú tâm đến. Vì theo các nhà ngôn ngữ, nếu để lâu thì việc sửa ngọng từ không khó sẽ trở thành việc khó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sửa nói ngọng cho học sinh: Kiên trì sẽ thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.