(HNM) - Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) vừa phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Hội thảo về các định hướng sửa đổi, hoàn thiện một số điều của các Luật Thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và tiêu thụ đặc biệt
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA khẳng định, việc tạo ra một diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan sẽ giúp hoàn thiện các luật thuế và hướng tới sự phát triển bền vững.
- Việc sửa đổi các luật thuế quan trọng như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và tiêu thụ đặc biệt, luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Khi tổ chức hội thảo này, VTCA hướng tới mục đích gì, thưa bà?
- Để có một văn bản pháp quy tốt, việc ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, hội nghề nghiệp cũng như cơ quan soạn thảo rất cần thiết. Các ý kiến được nêu trong các cuộc hội thảo được Ban soạn thảo các dự án luật xem xét, cân nhắc, nhằm bảo đảm tính minh bạch, đồng nhất của các sắc thuế với hệ thống pháp luật cũng như bảo đảm tính liên kết giữa các sắc thuế, như Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt... Những quan điểm nhìn nhận, tham gia từ những góc độ khác nhau sẽ có ý nghĩa quan trọng để Ban Soạn thảo nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng văn bản pháp quy, qua đó chất lượng và tính khả thi của các văn bản sẽ càng được nâng cao.
- Mỗi sắc thuế đều tác động đến một nhóm đối tượng. Theo bà, trong những sắc thuế mà Nhà nước muốn chỉnh sửa, có nên ưu tiên sắc thuế nào?
- Hệ thống chính sách thuế là một sự tổng thể. Vì thế, vấn đề ưu tiên hay không sẽ tùy vào từng giai đoạn cụ thể. Đơn cử, mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường là góp phần tạo môi trường khỏe, lành mạnh và bảo đảm sự phát triển bền vững. Thuế giá trị gia tăng ảnh hưởng rất rộng và gần như ai cũng bị ảnh hưởng. Với thuế thu nhập cá nhân, diện ảnh hưởng tuy hẹp hơn, nhưng thu nhập chịu thuế lại được tính trên khoản thu nhập của mỗi cá nhân, vì thế loại thuế này nhận được rất nhiều phản ứng. Thuế thu nhập doanh nghiệp lại ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, còn thuế tiêu thụ đặc biệt lại được sử dụng để định hướng tiêu dùng… Như vậy, mỗi chính sách thuế đều có một mục đích riêng. Tôi nghĩ rằng, trong điều kiện hiện nay, chúng ta sẽ có những sắc thuế chính, như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiêu thụ đặc biệt.
- Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Vậy, đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này có làm tăng nguy cơ khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống sử dụng chuyển giá làm công cụ để giảm mức thuế phải đóng?
- Tôi cho rằng, chuyển giá không áp dụng với lĩnh vực nào cụ thể. Chuyển giá mà liên quan đến trốn thuế thì bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có khả năng xảy ra chứ không chỉ riêng với doanh nghiệp đồ uống. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, đề xuất ở đây không phải tăng thuế mà là đưa nước ngọt vào diện chịu thuế. Chúng tôi cũng đồng quan điểm về việc khi chúng ta đưa ra một hệ thống chính sách thuế thì nên căn cứ trên một tỷ lệ, như rượu có độ cồn bao nhiêu thì thuế suất bao nhiêu. Tương tự, nước ngọt cũng vậy, nếu đưa vào diện điều tiết thì độ ngọt sẽ là bao nhiêu thì sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Quy định theo tỷ lệ như vậy sẽ bảo đảm việc định hướng tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới đang trong quá trình soạn thảo giai đoạn 1. Những ý kiến này mới chỉ là giai đoạn đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi.
- Hiện tại Việt Nam chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, nhưng trong thời gian tới nếu luật thuế này được ban hành, mức thuế với mặt hàng này sẽ ở mức độ nào, thưa bà?
- Tôi cho rằng, khi chúng ta xây dựng một sắc thuế phải lựa chọn đến nhiều yếu tố, trong đó có tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam, kinh nghiệm của các nước trong khu vực và kinh nghiệm của quốc tế. Khi chúng ta bắt đầu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, thuế suất sẽ ở mức trung bình, hoặc trung bình thấp chứ không bao giờ chọn mức thuế suất quá cao.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.